Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội chuyển đổi số bứt phá tăng trưởng

(ĐTCK) Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia biết cách tận dụng bứt phá và Việt Nam cần nỗ lực tận dụng cuộc cách mạng này để phát triển công nghiệp số, kinh tế số để trở thành nước phát triển vào năm 2045. 
Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội chuyển đổi số bứt phá tăng trưởng

Khuyến nghị trên được đưa ra tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019 với chủ đề “Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” do Vietnam Report phối hợp cùng báo VietnamNet tổ chức ngày 8/8, nhằm mang đến cho các lãnh đạo doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam cái nhìn toàn cảnh về xu hướng chuyển đổi số mới đang diễn ra như vũ bão trên quy mô toàn cầu.

Tại hội nghị, các vấn đề về kinh tế trong quá trình chuyển đổi số như ứng dụng công nghệ Blockchain cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông… đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đề cập.

Với nền tảng công nghệ số đang phát triển rất nhanh, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi công nghệ blockchain có cơ hội thuận lợi tốt để phát triển. Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp có thể áp dụng công nghệ mới này với cơ hội sáng tạo, cạnh tranh mới, đủ sức vươn tầm khu vực và quốc tế. 

Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội chuyển đổi số bứt phá tăng trưởng  ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị

Chia sẻ luận điểm về quá trình phát triển công nghệ, TS David Bray, Giám đốc điều hành People-Centered Internet đã đưa ra một dự báo, vào năm 2045 công nghệ sẽ phát triển theo cấp số nhân.

TS David Bray đã đặt câu hỏi: "Liệu với tốc độ phát triển nhanh vượt bậc công nghệ số sẽ khiến con người xích lại gần nhau hơn hay bị tách rời nhau?", đồng thời cho rằng, phải lấy con người làm trung tâm và nỗ lực thúc đẩy tinh thần bằng giáo dục, khuyến khích đào tạo qua internet.

“Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội phát triển công nghệ, thúc đẩy sự sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp IoT giống như một số nước trong khu vực châu Á đang hình thành”, TS David Bray khuyến nghị.

Cũng tại Hội nghị, ông Keith Davies, Giám đốc Chiến lược ngành Năng lượng, Tài nguyên & Công nghiệp, Monitor Deloitte Đông Nam Á đã chia sẻ về vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số và trải nghiệm khách hàng.

Theo ông Keith Davies, kỹ thuật số đang biến đổi mọi doanh nghiệp, theo đó, hoạt động marketing, phát triển mạng lưới khách hàng, nâng cao năng suất của nhân viên, bán hàng và nhiều chức năng kinh doanh khác đang được xác định lại.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) đã đưa ra 8 xu hướng lớn toàn cầu khi đề cập công cuộc chuyển đổi số và khát vọng phát triển trong thời đại số hoá.

Theo đó, công cuộc cách mạng ICT tác động đến tăng trưởng kinh tế và hiệu quả kinh doanh, chỉ ra sự lan toả, khuếch tán nhanh chóng của công nghệ và chuyển đổi số thúc đẩy năng suất nghiên cứu và phát triển, so sánh ứng dụng điện toán đám mây.

Đặc biệt, vị chuyên gia còn chỉ ra đòn bẩy số thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, sự phối hợp đổi mới và hợp tác được thúc đẩy bởi kinh tế nền tảng và hiệu ứng nối mạng (Uber, Crownfunding, Crownsourcing).

Tầm nhìn Việt Nam 2030- 2045 về định hướng xây dựng chính sách phát triển, các kiến tạo giá trị nắm bắt xu thế toàn cầu, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế để tạo bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển. Các chiến lược Chuyển đổi số và phương cách thực hiện, đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm góp phần tạo nên sự thành công của công cuộc chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia biết cách tận dụng bứt phá và Việt Nam có quan điểm tận dụng cuộc cách mạng này để phát triển công nghiệp số, kinh tế số để trở thành nước phát triển vào năm 2045. Thúc đẩy kinh tế số là đẩy mạnh đổi mới mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Để làm được điều này, Chính phủ đã xác định mục tiêu phát triển hạ tầng số; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để ứng dụng công nghệ thông tin; lấy doanh nghiệp thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ.

Trong đó, doanh nghiệp công nghệ thông tin là chủ lực, đóng vai trò tiên phong hiện thực hóa cơ hội, tiềm năng. Hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp viễn thông chủ lực mang tính dẫn dắt; khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước nhất là công nghệ cao, công nghệ thông tin, chế tạo; xây dựng hạ tầng số bảo đảm an toàn an ninh thông tin.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Vietnam Report đã vinh danh Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019; Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2019 và Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2019, Top 10 công ty niêm yết uy tín năm 2019.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục