Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: Ông lớn đi lùi

(ĐTCK) Nửa đầu năm 2018, các doanh nghiệp ngành xi măng vẫn tăng trưởng khá tốt về doanh thu. Tuy nhiên, dấu hiệu hoạt động chững lại của các doanh nghiệp lớn trong ngành được cho là tín hiệu cảnh báo việc tốc độ của ngành bất động sản chậm lại.
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: Ông lớn đi lùi

Sức khỏe doanh nghiệp qua con số lùi

Dữ liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng ước đạt khoảng 51,42 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, Tổng công ty cổ phần Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ được khoảng 11,93 triệu tấn. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu xi măng cũng có những tín hiệu khả quan, với tổng sản lượng xuất khẩu ước đạt 15,42 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu nhìn vào dữ liệu chung của ngành, thì tiêu thụ xi măng của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, bức tranh các doanh nghiệp ngành xi măng đã niêm yết lại không được tích cực đến vậy.

Thống kê báo cáo tài chính 10 doanh nghiệp ngành xi măng trên sàn cho thấy, nửa đầu năm 2018, tổng doanh thu nhóm này đạt 10.135,222 tỷ đồng, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2017 là 9.964,079 tỷ đồng. Con số này chưa tính đến yếu tố giảm trừ doanh thu. Nếu tính điều chỉnh theo doanh thu thuần, mức tăng trưởng gần như không tồn tại.

Như vậy, nửa đầu năm 2018, nhóm doanh nghiệp xi măng trên sàn “đứng im”. Trong đó, diễn biến tại các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trong ngành có một số điểm đáng chú ý.

Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (mã HT1), hiện đang niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có quy mô doanh thu 6 tháng đầu năm nay lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết của ngành, với con số 4.243,166 tỷ đồng. So với Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC), doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của Hà Tiên 1 lớn gấp gần 2,38 lần, nhưng so với chính mình, Hà Tiên 1 đã đi lùi nhẹ, với mức giảm doanh thu 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự Hà Tiên 1, Xi măng Bỉm Sơn, Công ty cổ phần Xi măng Bút Sơn (mã BTS), Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) đều giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm lần lượt là 6,53%, 9,4% và 11,67%.

Theo các số liệu thống kê, trong số 5 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất với tổng doanh thu chiếm 85,6% tổng doanh thu các doanh nghiệp niêm yết ngành xi măng, chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (mã HOM) có doanh thu tăng trưởng 19,26% so với cùng kỳ năm ngoái. 5 doanh nghiệp còn lại có quy mô hoạt động nhỏ hơn rất nhiều (chỉ đóng góp hơn 14% doanh thu) đạt mức tăng trưởng tốt.

Tiêu thụ chững lại, sụt giảm ở nhóm doanh nghiệp lớn, nhưng đó chưa phải là tất cả tín hiệu cho thấy ngành xi măng bắt đầu chững lại. Theo thống kê tỷ lệ lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp, tổng lợi nhuận gộp 10 doanh nghiệp niêm yết sụt giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Top 5 doanh nghiệp lớn nhất chỉ có Hà Tiên 1 tăng nhẹ lợi nhuận gộp (1,02%), còn 4 ông lớn khác, kể cả Xi măng Hoàng Mai là doanh nghiệp có doanh thu tăng mạnh, vẫn bị giảm lợi nhuận gộp, với mức giảm lớn hơn nhiều so với giảm doanh thu. Xi măng Hải Vân có mức giảm lợi nhuận gộp lên tới 35,32%, dù doanh thu giảm 11,67%; lợi nhuận gộp Xi măng Bút Sơn giảm 19,3%.

Bất động sản có nguy cơ chững lại?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn T. Quang, giám đốc một doanh nghiệp cán thép tại khu phía phía Nam cho biết, hiện tại, Công ty của ông đang phải tạm ngừng kế hoạch mở rộng kinh doanh, do hoạt động bán hàng có dấu hiệu chững lại.

“Cuối năm 2017, Công ty luôn trong tình trạng quá tải nên đã lên kế hoạch đầu tư thêm nhà xưởng mới, nhưng hiện nay đành phải chậm lại, vì từ chỗ quá tải, bây giờ nhà máy đang thừa công suất”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, không chỉ kinh doanh tại nhà máy có phần sa sút, mảng phân phối - bán lẻ thép vật liệu xây dựng của Công ty ông, cũng như một số nhà phân phối khác, đều có dấu hiệu chững lại.

“Tôi không chắc chắn nguyên nhân là do yếu tố nào: Nguồn cung tăng lên, cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc hay các doanh nghiệp bất động sản tiêu thụ chậm lại, nhưng hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn hơn. Dường như vấn đề này đang nghiêng về yếu tố thứ 3, đó là tiêu thụ của các doanh nghiệp bất động sản chậm lại”, ông Quang cho biết.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về triển vọng ngành bất động sản trước tín hiệu kém khả quan của ngành vật liệu xây dựng, ông Hà Đức Hiếu, quyền Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cho rằng, nên tách bạch ra nhiều nguyên nhân của vấn đề này.

Trước hết là về phân khúc, vị trí sản phẩm. Theo ông Hiếu, một số phân khúc bất động sản đã có dấu hiệu chững lại, nhưng đối với các dự án trong thành phố hoặc ven đô tại các thành phố lớn, thì sức tiêu thụ vẫn rất lớn.

“Các dự án chung cư mà Đất Xanh phân phối hoặc bán đều trong tình trạng hết hàng rất nhanh”, ông Hiếu cho biết.

Vấn đề thứ hai có thể đến từ câu chuyện vướng mắc pháp lý liên quan đến tiền sử dụng đất của các dự án có nguồn gốc nhà nước. Ông Hiếu cho biết, theo quan sát của ông, có doanh nghiệp đến 6 tháng nay không có dự án mới được tung hàng, vì vướng yếu tố pháp lý.

“Khi nhà phát triển bất động sản bị vướng đầu ra, thì hoạt động xây dựng khó có thể bùng nổ”, vị này nói.

Vấn đề thứ ba là sự thận trọng của các nhà phát triển dự án. Với tăng trưởng tín dụng các năm qua khá tốt, cùng chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản, nhiều chủ đầu tư đang chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trên cơ sở hạn chế phát triển mới các dự án, mà dồn lực triển khai các dự án đã và đang có.

Dù chỉ là tín hiệu ban đầu, nhưng câu chuyện một số doanh nghiệp lớn ngành xây dựng giảm sản lượng cũng là điểm đáng theo dõi với những nhà đầu tư ưa thích mã bất động sản. Đây cũng là một cách "khám sức khỏe" gián tiếp để hiểu thêm về tương lai doanh nghiệp khi quyết định đầu tư

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục