Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc đón CPTPP

(ĐTCK) Các doanh nghiệp thủy sản đang tăng tốc đầu tư và áp dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng cùng nguồn gốc xuất xứ của nguồn nguyên liệu để tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 
Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc đón CPTPP

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với CPTPP, hàng thủy sản xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam sẽ giành ưu thế hàng đầu tại 10 nước thành viên, bởi 25% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang nằm trong nhóm thị trường khu vực này.

Canada và Peru sẽ xóa bỏ thuế quan về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực và một số nước khác cắt giảm theo lộ trình chậm nhất là 16 năm. Như vậy, CPTPP và tới đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều quốc gia cạnh tranh khác mà hiện nay chưa tham gia CPTPP.

Ðặc biệt, CPTPP sẽ mang lại lợi thế so sánh rất lớn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam so với Thái Lan, quốc gia đang cạnh tranh ngang ngửa với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ví dụ, với mặt hàng cá ngừ, nghiên cứu mới đây của Vietnam Report chỉ ra rằng, tham gia CPTPP sẽ mang lại lợi thế tuyệt đối cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này về thuế quan so với doanh nghiệp của Thái Lan và Trung Quốc tại thị trường CPTPP và EU, bởi hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam với thị phần xuất khẩu lớn nhất này đều chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU cũng như chưa tham gia CPTPP.

Tương tự, đối với sản phẩm tôm, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu tôm, với thị phần 14%, chỉ sau Ấn Ðộ. Với CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế tôm nguyên liệu và cả thuế xuất tôm chế biến vào thị trường khối CPTPP và các nước EU. Trong khi đó, Ấn Ðộ không phải là thành viên CPTPP. Do đó, CPTPP sẽ tạo cơ hội lớn để sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam vươn lên cạnh tranh với vị trí xuất khẩu hàng đầu của Ấn Ðộ.

Ngoài ra, việc được giảm thuế sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, tôm xuất khẩu của Việt Nam vào EU có mức thuế trung bình từ 6 - 20%, cá ngừ có thuế từ 11 - 20%. Trong khi đó, với CPTPP, các nước thành viên áp dụng mức thuế suất thấp hơn, chỉ từ 2 - 10%. Thị trường EU sẽ giảm thuế suất tương tự khi EVFTA có hiệu lực, từ đó giúp sản phẩm thủy sản của Việt Nam hạ giá thành đáng kể, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Chia sẻ về mục tiêu xuất khẩu toàn ngành năm 2019, bà Tô Thị Trường Lan, đại diện VASEP cho biết, ngành thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD, cá tra 2,3 tỷ USD, hải sản khoảng 3,3 tỷ USD.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) chia sẻ, năm 2019, MPC đặt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15%, sản lượng đạt 77.400 tấn, kim ngạch 850 triệu USD, tăng đáng kể so với sản lượng xuất khẩu 67.640 tấn, kim ngạch 751 triệu USD năm 2018. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là hơn 2.300 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức hơn 1.200 tỷ đồng năm 2018. Công ty dự kiến sẽ thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) nhà máy để tăng công suất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

“MPC đang đẩy nhanh việc rà soát lần cuối cùng, đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược để chốt việc bán cổ phần nhằm thu hút thêm nguồn vốn bổ sung cho việc đầu tư mở rộng sản xuất. Khi có nhà đầu tư chiến lược tham gia, MPC sẽ M&A nhà máy để tăng công suất”, ông Quang nói.

Theo đại diện MPC, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Công ty, tiếp đó là thị trường Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, Nhật Bản, Canada đã có hiệp định song phương, thuế bằng 0%. CPTPP có hiệu lực sẽ giúp giảm thuế sang thị trường Úc và các thị trường nội khối còn lại tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp. Ngoài ra, MPC kỳ vọng nhiều vào việc hoàn tất ký kết EVFTA trong năm nay, góp phần giảm mạnh thuế xuất khẩu vào thị trường châu Âu, giúp tăng giá trị và biên lợi nhuận xuất khẩu.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Ðà Nẵng) cho rằng, lợi ích tổng thể lớn nhất mà Việt Nam có được khi tham gia CPTPP là nền kinh tế và hệ thống thể chế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn, hoàn thiện hơn để trở thành nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng, xuất khẩu các mặt hàng nói chung sẽ cơ bản thoát được những cản trở thương mại mà nhiều nước áp đặt do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Ông Lĩnh cho hay, Công ty đang có kế hoạch mở rộng đầu tư nhà máy chế biến và đặt mục tiêu mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay để đón đầu các cơ hội từ thực thi các hiệp định mới.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục