Doanh nghiệp rượu bia lại kêu với Thuế tiêu thụ đặc biệt

(ĐTCK) Mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) lại tiếp tục có văn bản gửi các Bộ, ngành phản ánh về bất cập của Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, đang khiến nhiều DN trong ngành đứng trước nhiều mối nguy như chi phí bị đẩy tăng cao, gặp nhiều rủi ro về pháp lý, cạnh tranh thiếu bình đẳng...
Đối với ngành rượu-bia, thuế TTĐB tiếp tục là vấn đề không dễ chịu trong năm nay Đối với ngành rượu-bia, thuế TTĐB tiếp tục là vấn đề không dễ chịu trong năm nay

Đánh giá về sự tương thích của Nghị định 108 và Thông tư 195 với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các DN trong VBA cho rằng, việc xác định giá tính thuế TTĐB dựa trên giá do các công ty con bán ra là chưa phù hợp với điều khoản về xác định giá tính thuế theo Luật Thuế TTĐB hiện hành.

Cụ thể, theo phân tích của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), theo quy định của Luật Thuế TTĐB, về nguyên tắc, giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất bán ra, trong khi theo Nghị định 108 và Thông tư 195 thì giá tính thuế trong trường hợp bán qua công ty con là giá bán ra của công ty con, có thể là giá của cơ sở kinh doanh thương mại.

“Như vậy, có thể thấy, quy định này của Nghị định 108 và Thông tư 195 là chưa phù hợp với nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB dựa trên Luật Thuế TTĐB hiện hành”, đại diện VBA nhấn mạnh.

Mặt khác, việc Nghị định 108 và Thông tư 195 đánh thuế TTĐB đến giá bán tại các công ty con sẽ gây khó khăn cho các DN do gia tăng chi phí. Theo tính toán sơ bộ của VBA, cách tính thuế mới này sẽ làm gia tăng chi phí thuế TTĐB phải nộp gần gấp đôi so với tác động của việc tăng thuế suất thuế TTĐB thêm 5%, từ đó sẽ gia tăng gánh nặng và áp lực chi phí thuế đối với DN. Điều này không phù hợp với tinh thần của Luật Thuế TTĐB sửa đổi đã được thông qua, tác động tiêu cực đến kết quả, triển vọng hoạt động kinh doanh của các DN và tổng thể ngành bia, rượu, nước giải khát nói chung.

Dẫn chứng cụ thể về mô hình hoạt động của một liên doanh mới được thành lập gần đây trong lĩnh vực sản xuất bia, VBA chỉ ra rằng, các quy định bất cập của 2 văn bản pháp luật trên đã tạo ra kẽ hở và sự bất bình đẳng đối với các DN trong ngành, dẫn tới những hệ lụy từ môi trường kinh doanh thiếu công bằng.

Theo ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco, với định nghĩa về cơ sở kinh doanh thương mại là “cơ sở không có quan hệ công ty mẹ-công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ, và quan hệ công ty mẹ-công ty con được xác định theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn liên quan”, đã dẫn tới việc Nghị định 108 và Thông tư 195 chưa thể chi phối đến một số DN do cách thức tổ chức mô hình kinh doanh đặc thù, cụ thể là trường hợp của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL).

Đây là DN liên doanh được thành lập bởi Tổng công ty Thương mại Sài gòn (Satra) nắm giữ 40% vốn điều lệ và Asia Pacific Breweries Limiteds, một công ty con của Heneken N.V Hà Lan, có trụ sở tại Singapore nắm giữ 60% vốn điều lệ.

VBL là đơn vị sở hữu thương hiệu, giao khâu gia công sản xuất và bán hàng cho Công ty TNHH Bia và nước giải khát Việt Nam (Công ty Trading), vốn là một liên doanh khác do Satra thành lập nắm giữ 40% vốn điều lệ và FBG Vietnam Holdings Pty Ltd, một công ty con khác của  Heneken N.V Hà Lan có trụ sở tại Úc nắm giữ 60% vốn điều lệ.

Theo đó, VBL và Công ty Trading hoàn toàn không có quan hệ công ty mẹ-con, dù có chung cổ đông góp vốn là Satra và Tập đoàn Heineken N.V. Với cấu trúc mô hình kinh doanh cùng cách thức hoạt động và phân chia sản xuất phân phối bán hàng này của VBL, ông Xanh chỉ ra rằng, VBL sẽ được hưởng lợi lớn vì có thể được hưởng giá tính thuế TTĐB thấp hơn 7% so với mức giá tính thuế TTĐB của các DN khác trong ngành bia. Lý do là vì, theo Nghị định 108 và Thông tư 195, khi cung cấp cùng một sản phẩm trong cùng một điều kiện thị trường, cơ sở sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại độc lập không phải chịu thuế TTĐB đến giá bán của cơ sở kinh doanh thương mại, trong khi các cơ sở bán hàng qua cơ sở thương mại là công ty con phải chịu thuế TTĐB đến giá bán của các công ty con.

Với những lý do trên, VBA đã đề nghị Bộ Tài chính tạm dừng hoặc lùi thời hạn áp dụng, đồng thời xem xét lại 2 văn bản này.

Câu chuyện về thuế TTĐB với rượu, bia đã nóng lên hồi cuối năm 2015 khi Sabeco bị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Sau rất nhiều phản bác, DN này vẫn chưa được Bộ Tài chính chấp thuận kiến nghị. Như vậy, có thể thấy thuế TTĐB tiếp tục là vấn đề không dễ chịu đối với ngành rượu, bia trong năm nay.    

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục