Doanh nghiệp ngoại đưa nhà máy thông minh kiểu mới tiếp cận thị trường Việt Nam

(ĐTCK) Sáng 8/8 tại Hà Nội, Vietnam Manufaturing Expo 2018 chính thức khai mạc thu hút sự tham gia của 200 thương hiệu cùng hàng trăm chuyên gia hàng đầu tới dự. Đây là triển lãm hàng đầu tại Việt Nam về máy móc và công nghệ cho ngành sản xuất và công nghiệp hỗ trợ được tổ chức từ 8-10/8.
Doanh nghiệp ngoại đưa nhà máy thông minh kiểu mới tiếp cận thị trường Việt Nam

Tại triển lãm, 4 gian hàng quốc tế từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tập trung cung cấp các công nghệ, giải pháp, cũng như kinh nghiệm thực tế về nhà máy thông minh để hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu chuyển đổi sang ngành công nghiệp 4.0.

Nhà máy thông minh và công nghiệp 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới với một loạt công nghệ sản xuất kết hợp giữa các yếu tố vật lý và kỹ thuật số, với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), robot, Internet of Things (IoT), đo lường và in 3D.

Chia sẻ tại buổi giới thiệu triển lãm, ông Suttisak Wilanan, Phó giám đốc điều hành ông ty Reed Tradex cho biết các doanh nghiệp hiện nay đều có nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất, việc ứng dụng công nghệ 4.0 và sử dụng các nhà máy thông minh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

“76% các nhà sản xuất đang tiến hành xây dựng hoặc bắt đầu đầu tư chuyển đổi thành nhà máy thông minh, chỉ 14% trong số đó hài lòng với kết quả đạt được. Nhà máy thông minh là một sự thay đổi lớn, các nhà sản xuất khó tránh khỏi sự choáng ngợp trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với quốc gia đang trên đà phát triển sản xuất như Việt Nam. Hành trình này cần được lập trình kĩ lưỡng theo tứng bước, tránh việc thay đổi đột ngột”, ông Suttisak Wilanan nhấn mạnh.

DN giới thiệu nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất 

Báo cáo mới từ Viện chuyển đổi kỹ thuật số của Capgemini, các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới.

Công nghệ thông minh mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ này không hề dễ dàng.

Tại triển lãm cũng giới thiệu về công nghệ in 3D, hay còn gọi là Công nghệ sản xuất đắp dần (AM) được tạo ra với mục tiêu ban đầu để tạo ra nguyên mẫu hình ảnh & nguyên mẫu chức năng, sao chép không ngừng các bộ phận đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối.

Công nghệ in 3D đã phát triển đạt giá trị 6,063 tỷ USD, tăng 17,4% tổng doanh thu toàn cầu vào năm 2016, đồng thời mở rộng ứng dụng vào nhiều ngành công nghiệp. Với tiềm năng sẵn có về mặt tùy biến và hạn chế tối đa hàng tồn kho, in 3D được xem là một yếu tố chủ chốt để hướng đến Công nghiệp 4.0.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục