Doanh nghiệp lên kế hoạch chống chọi ảnh hưởng của dịch bệnh

(ĐTCK) Gặp khó khi không giao dịch được với thị trường Trung Quốc do tác động của virus Corona, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường để hạn chế thiệt hại.
Cửa khẩu Móng Cái không còn cảnh từng dòng người xếp hàng chờ làm thủ tục như trước đó.Ảnh: Zing Cửa khẩu Móng Cái không còn cảnh từng dòng người xếp hàng chờ làm thủ tục như trước đó.Ảnh: Zing

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chuyển hướng

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho hay, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn, nhưng kể từ khi xảy ra dịch virus Corona, đường biên tạm đóng cửa, Công ty phải chuyển hướng và chuyến hàng đầu tiên là xuất khẩu sang thị trường Canada và một số nước châu Âu.

Hàng chuẩn bị cho thị trường Trung Quốc không bán được, nhiều doanh nghiệp tại Bình Thuận như “ngồi trên đống lửa” khi phải chờ mở cửa biên giới, giá thanh long sụt giảm mạnh.

Công ty Thanh Long Hoàng Hậu cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá thanh long giảm, trong đó có yếu tố dịch bệnh.

“Trước đây giá thanh long hơn 10.000 đồng/kg, nay giảm xuống khoảng 7.000 đồng/kg. Tại Long An, có lúc giá rớt xuống mức 5.000 đồng/kg”, đại diện Công ty Thanh Long Hoàng Hậu thông tin.

Việt Nam đang là nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á, đồng thời là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới.

Thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất là Trung Quốc chiếm trên 80%, kế đến là Singapore, Indonesia. Gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu được sang các thị trường tiềm năng nhưng “khó tính” hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Australia.

Tuy nhiên, xuất khẩu thanh long sang các thị trường truyền thống ASEAN, Hồng Kông… đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước Ðài Loan, Thái Lan và Malaysia.

Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt lao đao ngay từ đầu năm.

Chia sẻ với người viết, đại diện Công ty Thanh long Lan Hiệp (Bình Thuận) cho biết, Công ty xuất khẩu thanh long nguyên trái, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, nên khi bị hạn chế giao thương, Công ty cũng tạm ngừng các hoạt động thu mua.

Không chia sẻ con số cụ thể, nhưng vị này cho hay, tổn thất là không nhỏ. Thời gian giao dịch trở lại cũng chưa rõ vì còn chờ thông tin về dịch bệnh và giao dịch đường biên.

Chủ một vựa thanh long ở Long An chia sẻ, xe chở thanh long xuất sang Trung Quốc vẫn đang chờ thông quan và chưa biết ngày nào quay về, xe phải chạy máy lạnh để bảo quản hàng không bị hỏng nên tốn kém chi phí.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của virut Corona.

Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố của Trung Quốc với Việt Nam cũng hết sức khó khăn.

Các cửa khẩu thuộc địa bàn thị xã Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2/2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại bị hạn chế, thì lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.

Doanh nghiệp du lịch hoàn tiền tour, tặng ưu đãi

Vài năm trở lại đây, các tour du lịch đến Trung Quốc và khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch tăng mạnh, nên khi xảy ra dịch bệnh, các hãng lữ hành, hàng không, khách sạn,, nhà hàng… tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Ðà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đã ngừng đón khách du lịch Trung Quốc, ước tính doanh thu sụt giảm từ 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường Trung Quốc như LienBang Travel, Havatravel…

Công ty Du lịch lữ hành Vietrantour cho biết sẽ hoàn lại 100% tiền tour, miễn phí toàn bộ chi phí hủy, hoãn cho khách du lịch đã đăng ký các tour đi Trung Quốc cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

“Ðây là một tổn thất không nhỏ, nhưng quan trọng hơn là để khách hàng đặt niềm tin vào Công ty”, đại diện Vietrantour nhấn mạnh.

Với khách tiếp tục có nhu cầu đi du lịch, Vietrantour cho biết, sẽ hỗ trợ một phần chi phí nếu khách hàng muốn chuyển đổi sang tour có giá trị ngang bằng, còn nếu chuyển sang tour có giá trị cao hơn, khách chỉ phải trả thêm chi phí chênh lệch, trong khi các chính sách ưu đãi vẫn được áp dụng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục