Doanh nghiệp gỗ thêm áp lực từ thương chiến Mỹ - Trung

(ĐTCK) Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, nội thất Trung Quốc đang có dấu hiệu tràn sang Việt Nam do bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng cho biết, trong cơ cấu nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ, Việt Nam chiếm khoảng 15%, Trung Quốc chiếm 50%. Theo đó, chỉ cần Việt Nam thay thế thêm được 10% của Trung Quốc cũng sẽ mang lại cơ hội lớn các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh nước láng giềng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ trở thành điểm tập kết hàng hoá của các DN Trung Quốc, sau đó xuất sang thị trường như Mỹ, châu Âu. Ðiều này tạo nên rủi ro tiềm ẩn là Việt Nam rơi vào tầm ngắm cảnh báo từ các thị trường lớn. Ðồng thời, làn sóng đầu tư này cũng tạo áp lực cho các DN nội địa, nếu không chuẩn bị tốt sẽ đối diện với nguy cơ bị đánh bật ra khỏi cơ hội lớn này và nhường chỗ cho các DN nước ngoài.

Ông Hak Bin cho rằng, có một kịch bản khá tiêu cực là DN Trung Quốc có thể lách luật khi đưa hàng đã sản xuất dưới dạng cấu phần sang Việt Nam để lắp ráp và xuất đi từ Việt Nam với danh nghĩa “made in Việt Nam”. Theo chuẩn mực của WTO và luật xuất xứ nguồn gốc, có lẽ cần ít nhất 2 bậc giá trị gia tăng thì mới được xem là hàng sản xuất tại Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam cần phải có chính sách rõ ràng và tạo điều kiện cho DN nội tận dụng được cơ hội này.

Chuỗi cung ứng trong ngành gỗ của Trung Quốc tốt hơn của Việt Nam.   

Thực tế hiện nay, đa phần các DN sản xuất đồ gỗ, nội thất Việt Nam đều có quy mô nhỏ, gia công là chủ yếu nên giá trị gia tăng thấp, chỉ cần biến động chi phí đầu vào đã tác động ngay đến lợi nhuận của DN. Theo đó, chưa cần đợi cuộc cạnh tranh khốc liệt bắt đầu thì cuộc cạnh tranh “đầu vào” cũng đã khiến các DN Việt Nam lép vế, đó chính là chi phí nhân công, chi phí mặt bằng đang tăng nhanh.

Theo chuyên gia Maybank Kim Eng, một số DN nội thất xuất khẩu đi Mỹ chia sẻ, tiền lương, thuê mặt bằng tăng 300% trong 5 năm qua. Ðây là bước cản lớn cho các DN Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội từ thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời là vấn đề lớn nhất của các nhà sản xuất hiện nay: lạm phát về tiền lương và giá cả thuê mặt bằng. Ðiều này diễn ra ở cả Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cho biết, tại Bình Dương, Tập đoàn ManWah của Ðài Loan đã khởi công xây dựng nhà máy, có nhu cầu tuyển dụng 30.000 lao động, doanh số có thể đạt 500 triệu USD/năm. Nhiều “ông lớn” khác trên thế giới cũng đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam, với nhu cầu tuyển dụng từ 5.000 - 7.000 công nhân. Diễn biến này đã đẩy chi phí nhân công tăng lên, bình quân 7 triệu đồng/lao động phổ thông/tháng.

Theo ước tính của ông Tín, với tốc độ như hiện nay, khoảng 2 năm tới, mức lương có thể là 500 - 600 USD/lao động/tháng, vì có sự giành giật lao động rất lớn. Vì vậy, hiện tại, DN không dám ký trước một số đơn hàng lớn, vì nguy cơ chi phí sau đó tăng cao.

Trong khi đó, các DN nước ngoài đã quen làm việc với các tập đoàn bán lẻ lớn của Bắc Mỹ từ lâu, hiểu cách làm, có lực lượng nhân sự phù hợp để đáp ứng nhu cầu của tập đoàn bán lẻ lớn, thậm chí đội ngũ thiết kế của họ có đủ khả năng để tự sản xuất mẫu, chứ không chỉ nhận gia công đơn thuần. Vì vậy, họ có lợi thế để có được giá trị lớn hơn, bên cạnh đó là ưu thế về vốn, chi phí vốn vay thấp, nên khi vào Việt Nam sẽ cạnh tranh mạnh với các DN nội.

Như vậy, DN đồ gỗ Việt Nam sẽ gặp thách thức, dĩ nhiên, những DN quy mô lớn, nhà máy sản xuất lớn, đội ngũ nhân sự tốt vẫn có cơ hội. Hiện tại, các nhà máy đó đang chạy hết công suất.   

Ông Tín cho rằng, điểm đáng lo không phải ở hiện tại, mà trong tương lai gần (khoảng 1 năm tới), khi nhà máy của các DN lớn đi vào hoạt động. Ngoài ra, nhiều nhà máy đồ gỗ Trung Quốc đã đóng cửa để chuẩn bị di chuyển sang Việt Nam. Các DN nội sẽ vất vả hơn rất nhiều trong cuộc cạnh tranh này. Từ lâu, chuỗi cung ứng trong ngành gỗ của Trung Quốc tốt hơn của Việt Nam.

Chia sẻ về TTF, ông Tín cho hay, Công ty hiện đủ nguồn vốn để giải quyết các vấn đề trong quá khứ và cổ đông cũng không cần lo lắng về chuyện huỷ niêm yết. Năng lực của TTF đã được củng cố trong 2 năm qua. Hiện tại, Công ty vừa làm xuất khẩu (thị trường chính là Bắc Mỹ), vừa “chạy” cho các dự án bất động sản phát triển trong nước để không chịu rủi ro, khai thác tối đa công suất. Cơ cấu doanh thu giữa thị trường xuất khẩu và trong nước dự kiến cân bằng ở mức 50 - 50. Qua quá trình tiếp xúc với các đơn vị bán lẻ nước ngoài, TTF tự tin sẽ sớm lấp đầy công suất, thậm chí Công ty đang tính đến việc mở rộng khu sản xuất.

Các thương hiệu bán lẻ lớn đều đã kiểm định nhà máy của TTF, vượt được các tiêu chuẩn mà họ đánh giá (từ quản lý lao động, môi trường, ứng xử công nhân…) và Công ty đã sẵn sàng cung cấp cho các nhà bán lẻ. Ngoài ra, TTF có khoản đầu tư vào một số DN đồ gỗ khác, sắp tới sẽ công bố, việc đầu tư này giúp Công ty tăng cường năng lực ở một số mảng nhỏ trong nội thất.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục