Doanh nghiệp có thể phá sản nếu vi phạm sở hữu trí tuệ trong TPP

Nếu không nhận thức đầy đủ vấn đề sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả giá đắt khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).       
Khi tham gia TPP, doanh nghiệp không thể trốn tránh việc sử dụng phần mềm bản quyền. Ảnh: Lê Toàn Khi tham gia TPP, doanh nghiệp không thể trốn tránh việc sử dụng phần mềm bản quyền. Ảnh: Lê Toàn

Cái giá của hội nhập

Tháng 5/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 08/2015/TLST-KDTM về việc "tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" theo đơn khởi kiện của Tập đoàn Microsoft. Microsoft khởi kiện Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt (Công ty Trimmers) do sở hữu phần mềm máy tính bất hợp pháp thuộc quyền sở hữu của Microsoft và yêu cầu Trimmers bồi thường thiệt hại 748 triệu đồng và phí bồi thường án phí.

Đây chỉ là một trong 4 vụ mà tòa án Việt Nam thụ lý liên quan đến sở hữu trí tuệ trong năm 2015. Khi TPP có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp Việt Nam phải “hầu tòa” do vi phạm sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ tăng.

"Đối với các doanh nghiệp, chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm nhiều đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt khi có tranh chấp, kiện tụng.  Thậm chí, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP."

“Tới đây, làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ làm ‘bùng nổ’ các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Không phải ngẫu nhiên mà khi đầu tư vào Việt Nam, các tập đoàn lớn nước ngoài đều đề nghị Chính phủ Việt Nam cam kết chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế vào trạng thái không dễ dàng và tốn kém khi muốn sớm tiếp cận, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, đặc biệt là khi thực hiện các quy định của TPP về bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó, vấn đề gay cấn là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nông hóa phẩm”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP nhận định.

Tại lễ công bố Chương trình “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” của lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ vừa được tổ chức, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, không chỉ phải sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể, mà Việt Nam còn phải chuyển từ cơ chế xử lý hành chính sang xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đáp ứng các yêu cầu của TPP. Đối với các doanh nghiệp, chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm nhiều đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt khi có tranh chấp, kiện tụng.

Thậm chí, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP. Đây là một lời cảnh báo nghiêm khắc hơn bao giờ hết.

“Có thể nói, với cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao, Việt Nam còn lâu mới được hưởng lợi ích chung của cả xã hội, mà phải chịu những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đó là luật chơi, là sự trả giá để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xâm nhập được thị trường khu vực với nhiều tiềm năng lớn trên thế giới”, ông Nguyễn Phương Minh (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sở hữu trí tuệ

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức một cách đầy đủ về vấn đề sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

"Các doanh nghiệp gần như không có động thái nào đặc biệt và cũng không lo lắng thực sự về vấn đề này. Khi nhận thức không đầy đủ thì dễ vi phạm luật, quy định về quyền sở hữu trí tuệ, vì Hiệp định TPP quy định rất rõ nội dung này", bà Phạm Thị Thu Hằng nói.

Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco, dược phẩm là một trong những lĩnh vực có nhiều giá trị sáng tạo rất cần được bảo vệ. Tuy nhiên, hiểu biết về bảo hộ sở hữu hiện nay ở Việt Nam chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp vẫn có cung cách làm ăn “chụp giật” theo kiểu biến sản phẩm sáng chế của người khác thành của mình. Khi tham gia TPP, cung cách này phải thay đổi, phải chấm dứt, nếu chúng ta muốn đứng vững ở sân chơi này.

Một lĩnh vực khác mà doanh nghiệp Việt Nam vi phạm khá phổ biến và đang bị xử lý nhiều nhất là vi phạm bản quyền phần mềm. Phần lớn doanh nghiệp thường chỉ mua một số ít phần mềm có bản quyền. Khi tham gia TPP, doanh nghiệp không thể trốn tránh việc sử dụng phần mềm bản quyền.

Trong khi đó, theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), một thực trạng lâu nay là, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị không ý thức được vấn đề liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi TPP, bởi ở sân chơi này, các nước tham gia rất đề cao vấn đề sở hữu trí tuệ. Do vậy, nếu vi phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất nặng nề, thậm chí phá sản.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục