Doanh nghiệp cá tra: Cuộc đua vào thị trường 1,4 tỷ dân

(ĐTCK) Với nhu cầu tiêu thụ lớn, Trung Quốc - thị trường gần 1,4 tỷ dân luôn là “miếng bánh ngon” trong mắt các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo đó, cuộc đua giành thị phần tại thị trường này đang ngày càng trở nên gay cấn.
Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đều đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đều đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhu cầu lớn

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,5 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm đạt 612 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo VASEP, mặc dù thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh và Mỹ gặp khó bởi các rào cản kỹ thuật và thuế, nhưng các thị trường khác ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt là Trung Quốc. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Đại lục đạt hơn 354 triệu USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 14% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đáng chú ý, không chỉ có quy mô thị trường lớn, Trung Quốc còn là nơi mà nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản ngày càng tăng. Dự báo, mức tiêu thụ bình quân trên đầu người tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ 25,6 kg/người/năm năm 2016 lên 35,9 kg/người/năm vào năm 2020. Quốc gia này vẫn phải nhập khẩu thủy sản từ nhiều nước trên thế giới để đáp ứng nhu cầu.

Theo dự báo của VASEP, nhu cầu thủy sản Trung Quốc đến năm 2030 tăng 31%, chiếm 37% tổng sản lượng thủy sản thế giới. Với dư địa trên, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đều đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Nếu như trước đây, tình trạng xuất qua đường tiểu ngạch (theo đường biên mậu không thông qua hải quan) khá phổ biến trong hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thì những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp là các nhà sản xuất cá tra Việt Nam đang dần dịch chuyển sang con đường chính ngạch.

Lý do là bởi việc xuất khẩu bằng đường biên mậu tiềm ẩn rủi ro về kiểm soát chất lượng. Đây là một trong những yếu tố khiến nông sản phải đối mặt với tình trạng “ứ hàng” hay nguy cơ mất thương hiệu cá tra Việt.

Năm 2016, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc theo tỷ lệ 70% chính ngạch, 30% tiểu ngạch. Chỉ sau 1 năm, Công ty cho biết, tỷ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc đã 100% thông qua con đường chính ngạch. Tương tự, thông tin từ Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) cho thấy, hiện nay, sản phẩm của Công ty xuất khẩu sang Trung Quốc đã hoàn toàn thông qua con đường chính ngạch.

“Trước đây có xuất tiểu ngạch nhưng hiện nay đã chuyển hoàn toàn sang chính ngạch”, ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc ANV nói. 

Ai đang nhanh chân hơn?

Với dư địa thị trường rộng lớn, hiện nay có khoảng hơn 70 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu cá tra cho thị trường này. Hầu hết các doanh nghiệp cá tra lớn đang niêm yết đã có những động thái cụ thể. 

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI (IDI) cho biết, Trung Quốc là khối thị trường truyền thống của Công ty trong hơn 10 năm qua. Chính điều này giúp IDI xây dựng một mạng lưới khách hàng với số lượng ổn định và mối quan hệ bán hàng lâu năm. Việc Trung Quốc trở thành thị trường triển vọng của cá tra Việt Nam với nhu cầu tăng mạnh đã tạo ra cơ hội cho Công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hơn nữa.

Trong năm 2018, IDI đang và sẽ mở rộng thêm chi nhánh tại Trung Quốc để tăng cường công tác bán hàng. Công ty cho biết, nhiều chi nhánh có nhân viên bán hàng là người bản địa, tạo lợi thế rất lớn để dễ dàng thâm nhập vào thị trường tỷ dân.

Không bỏ lỡ cơ hội, ANV, vốn là một “tân binh” tại thị trường Trung Quốc, cũng đã có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này. Tháng 5 vừa qua, ANV đã ký kết hợp đồng thương mại với Công ty Shanghai Fenglei International Trading Co., LTD (Trung Quốc). Theo đó, Shanghai Fenglei sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Nam Việt tại thị trường này. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong một cuộc gặp gỡ trước đó, đại diện ANV cho biết, để có thể trở thành nhà phân phối độc quyền cho Công ty, đối tác sẽ phải thỏa thuận về hạn mức nhập khẩu đủ lớn. Đây là cơ hội tốt để ANV đẩy mạnh sản lượng vào thị trường này một cách nhanh nhất.

Trong khi các doanh nghiệp thủy sản mới tìm đến các đại lý phân phối sỉ, thì “người anh cả” trong ngành là VHC đã nhanh nhạy hơn khi bắt tay với 2 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Vĩnh Hoàn, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC cho hay, sản phẩm của Công ty hiện nay được phân phối trực tiếp cho các khách hàng lớn, trong đó có Alibaba và JD.com.

Ngoài ra, đối với một số khách hàng không có hạn ngạch nhập khẩu, Công ty sẽ phân phối gián tiếp thông qua Công ty Octogone Holdings PTE.LTD (công ty liên kết của VHC, thực hiện phân phối sản phẩm tại Trung Quốc). Hiện nay, VHC đang chiếm 8% thị phần cá tra nhập khẩu tại Trung Quốc với doanh thu của thị trường này chiếm 10% tổng doanh thu năm 2017.

Vĩnh Hoàn đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm cá tra cho Công ty TMall Fresh của Alibaba vào tháng 9 năm ngoái và tính đến tháng 5/2018, giá trị xuất khẩu thông qua Alibaba đã đạt 3 triệu USD. Việc hợp tác với các nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc sẽ giúp Công ty không chỉ gia tăng sản lượng, mà còn tăng khả năng giao tiếp với khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC đã nhấn mạnh về chiến lược chuyển dần từ mô hình B2B (hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) sang B2C (hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng). Đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được và một lần nữa, VHC lại tiếp tục chứng tỏ ưu thế của mình trước các đối thủ cùng ngành.

Không thể phủ nhận sự tăng trưởng sản lượng và nhu cầu tại thị trường Trung Quốc đã góp một mảng sáng cho kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cá tra đang niêm yết. Đây cũng là động lực quan trọng cho đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành này trong thời gian qua.

Theo đó, quán quân tăng trưởng về giá là cổ phiếu ANV với mức tăng 2,5 lần từ đầu năm đến nay, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/6 ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của ANV đến từ kết quả kinh doanh cải thiện, song song với tái cơ cấu “cục nợ xấu” tại DAP Lào Cai 2.

Trong khi đó, cổ phiếu VHC từ mức 51.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm nay đã bật mạnh lên mức gần 78.000 đồng/cổ phiếu nhờ thông tin không chịu thuế chống bán phá giá của Mỹ vào cuối tháng 4/2018, và điều chỉnh về mức 58.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/6. Không có bước nhảy vọt, nhưng cổ phiếu IDI vẫn kiên trì nhích lên khi ghi nhận mức tăng khoảng 18% kể từ đầu năm 2018, từ mức 11.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 20/6.

Kịch bản “cứu cá tra”

Mặc dù đã có những nỗ lực từ phía chính phủ cả 2 nước trong việc kiểm soát chất lượng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu, tuy nhiên, thực tế đến nay, tình trạng xuất theo tiểu ngạch vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn rủi ro cho một bộ phận người nuôi cá và ngành cá tra Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, trước tình hình thiếu nguyên liệu cá tra trong nước, một số đầu nậu tại các địa phương đang thu vét hải sản bán cho Trung Quốc qua đường biên mậu.

Bên cạnh đó, một mối lo ngại khác của các chuyên gia là tình cảnh “cứu giá” liệu có xảy ra đối với cá tra? Thực tế, “cứu hành”, “cứu dưa” rồi đến “cứu heo”, ngành nông nghiệp Việt đã không ít lần nhờ đến nguồn lực xã hội để hỗ trợ người nông dân trước những biến động của thị trường xuất khẩu. Nếu ồ ạt sản xuất và bán cá tra sang Trung Quốc, kịch bản “cứu cá tra” có xảy ra? Đối với vấn đề này, công tác dự báo thị trường là yếu tố quan trọng và mỗi doanh nghiệp phải chủ động có biện pháp kiểm soát trước các rủi ro có thể xảy ra.

Theo đó, dù nhìn nhận Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng đa phần các doanh nghiệp đều có chiến lược phân bổ rủi ro hoạt động. Với IDI, không chỉ Trung Quốc, Công ty đang có tham vọng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường châu Á. Trong khi ANV đã và đang duy trì phát triển khối thị trường Nam Phi, Trung Đông, vốn là thị trường truyền thống của Công ty.

Ngay cả với VHC, dù sự tăng trưởng của Trung Quốc là rất tích cực, nhưng Mỹ vẫn là thị trường chính với biên lợi nhuận tốt hơn và một số thị trường mới như Nam Phi hay Nam Mỹ cũng được tập trung khai thác.  

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục