Đầu tư vào lâm nghiệp không tính hiệu quả kinh tế đơn thuần

Theo nhận định của các đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần trước, trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp nhiều năm gần đây ở mức rất thấp (dưới 3%), thì lĩnh vực lâm nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng khá cao và ngày càng tăng (xem bảng). 
Công nghiệp chế biến gỗ hiện có hơn 2.630 doanh nghiệp Công nghiệp chế biến gỗ hiện có hơn 2.630 doanh nghiệp

Điều này cho thấy, các chính sách đầu tư vào lâm nghiệp vừa đúng vừa trúng.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, sự phát triển của lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Năm 2013, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 5,7 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với 2009.

“Công nghiệp chế biến gỗ hiện có hơn 2.630 doanh nghiệp, tuyệt đại đa số là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia, đã góp phần đa dạng sản phẩm gỗ chế biến, đáp ứng yêu cầu thị trường. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam không ngừng được mở rộng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Tuấn cho biết.

Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp như Chương trình 327, Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng… “Sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ không chỉ góp phần bảo vệ rừng; phủ xanh đất trống, đồi trọc; tăng kim ngạch xuất khẩu…, mà còn góp phần đáng kể giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ rừng. Hiện tại, rất nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cà Mau… có thu nhập 150-200 triệu đồng/ha rừng trồng”, ông Tuấn thông tin thêm.

Ông Tuấn đề nghị, bên cạnh đầu tư từ nguồn ngân sách, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng mỗi năm dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vay vốn trồng rừng gỗ lớn, với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay phù hợp với chu kỳ cây trồng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 1992-1997, Nhà nước đã đầu tư 2.500 tỷ đồng để trồng rừng và trồng cây công nghiệp; giai đoạn 1998-2005, đầu tư 59.162 tỷ đồng; từ năm 2006 trở lại đây, ngoài huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, người dân, ngân sách trung ương đầu tư thêm cho lĩnh vực trồng rừng 9.198 tỷ đồng.

“Giai đoạn 2011-2020, mặc dù Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng đã kết thúc, nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên phát triển lâm nghiệp như là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đạt mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44-45% vào năm 2020, đáp ứng cơ bản nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Cao Lâm Anh (Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Vẫn theo ông Lâm Anh, triển khai Luật Đầu tư công, bên cạnh khuyến khích các thành phần kinh tế khác, Chính phủ vẫn tiếp tục đầu tư cho lâm nghiệp, nhằm bảo đảm điều hòa giữa thu nhập của người dân miền núi với thành thị, giữa người làm công nghiệp và nông dân trồng rừng. Với ý nghĩa này, đầu tư công cho lâm nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế đang có những chuyển đổi nhằm sử dụng các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả nhất.

“Đầu tư cho lâm nghiệp có ý nghĩa xã hội rất lớn trong định hướng phát triển chung của đất nước. Nếu chỉ tính hiệu quả kinh tế đơn thuần sẽ không chính xác, mà phải tính cả hiệu quả về xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm sự di cư về các đô thị, giảm sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội…”, ông Lâm Anh cho biết.

Ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 31/12/2013, tổng dư nợ cho vay phát triển rừng đạt 3.464 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với 31/12/2012 (tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 3,14%), không tính 452 tỷ đồng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ gia đình, cá nhân vay theo chỉ định của Chính phủ.

“Ngoài cho vay trồng rừng, các tổ chức tín dụng còn tập trung cho vay phát triển kinh tế lâm nghiệp, với lãi suất thông thường và ưu đãi để chế biến, bảo quản lâm sản. Tại thời điểm 31/12/2013, dư nợ cho vay là 26.310 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với năm 2012, trong đó cho vay với lãi suất thông thường chiếm tới 96,35%, tỷ lệ nợ xấu chiếm 7,74%”, ông Châu cho biết.

Đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp, theo ông Châu, luôn được ngành ngân hàng đặt lên hàng đầu trong chính sách tín dụng, nhưng hiện tại đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp đang gặp không ít trở ngại. Cụ thể, đầu tư cho lâm nghiệp thường đòi hỏi nguồn vốn dài hạn trong khi nguồn vốn dài hạn chiếm tỷ trọng khá thấp trong số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng; thời gian thu hồi vốn dài khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục