Đại dương “đỏ ngầu” của thị trường bán lẻ điện máy

Mức độ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam ngày thêm quyết liệt, với sự tham gia của nhiều đối thủ sừng sỏ. Khi sự cạnh tranh về giá không còn là yếu tố quyết định số một, nhà bán lẻ nào có năng lực quản trị chuỗi tốt, độ phủ rộng và định vị được thương hiệu trong tâm trí khách hàng, sẽ độc chiếm thị trường.
Các chuỗi bán lẻ điện máy đang tập trung đầu tư vào thế mạnh và nâng chất lượng dịch vụ để giành thị phần. Ảnh: Đức Thanh Các chuỗi bán lẻ điện máy đang tập trung đầu tư vào thế mạnh và nâng chất lượng dịch vụ để giành thị phần. Ảnh: Đức Thanh

Thêm người chơi

Thông tin trong tháng 4/2019, FPT Retail bắt đầu bán thử nghiệm hàng điện máy trong cửa hàng FPT Shop vừa được bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT Retail tiết lộ với giới truyền thông bên lề Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Hiện mọi chuyện vẫn đang trong quá trình đàm phán. Bà Điệp cũng cho biết, có 3 dự án được FPT Retail triển khai thử nghiệm. Công ty sẽ cân nhắc nhóm sản phẩm nào đã bão hòa để rút bớt diện tích và gia tăng mảng mới. “Đó là hướng đi mới của FPT Retail. Nếu thử nghiệm thành công, chúng tôi mới chính thức công bố kế hoạch đầu tư”, bà Điệp nói.

Động thái của nhà bán lẻ này không khiến các đối thủ trong ngành giật mình, bởi tìm kiếm thị trường mới là cách các chuỗi bán lẻ lớn như Thế giới Di động hay FPT Retail đang tiến hành, trong bối cảnh thị trường điện thoại đang dần bão hòa.

Thế giới Di động, từ việc “bá chủ” ngành bán lẻ mobile, đã mở rộng sang lĩnh vực điện máy, thậm chí mua đứt cả chuỗi bán lẻ Trần Anh để nhanh chóng nắm thị phần phía Bắc; tiếp đó là lấn sân sang dược phẩm với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và thực phẩm với chuỗi Bách Hóa Xanh. Gần đây, nhà bán lẻ này tuyên bố mở thêm kênh bán lẻ đồng hồ. Trong khi đó, FPT Retail cũng mở rộng kênh bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2018 so với mức 9% của năm 2017. Trong khi đó, lĩnh vực điện máy tăng trưởng cao hơn, như hàng điện tử (tăng 23,5%), điện lạnh (12,5%), điện gia dụng (3,7%). Năm nay, ngành hàng tivi có thể chững lại, chỉ tăng khoảng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành khác đều tăng trưởng dưới 10%. Những con số này thấp hơn khá nhiều so với các năm trước, qua đó cho thấy, người tiêu dùng đang dần bão hòa với sản phẩm hi-tech.

Bán lẻ điện máy có nguy cơ bị bóp nát

Hẳn giới bán lẻ điện máy còn nhớ hơn 1 năm trước, Điện máy Trần Anh chính thức rời cuộc chơi sau 15 năm xây dựng, phát triển và gắn bó với quyết định bán toàn bộ chuỗi cho Thế giới Di động.

“Tôi nhìn thấy thị trường này không còn nhiều tương lai. Tôi đi một số nước, ở các thị trường phát triển, những nước quanh khu vực và nhận thấy, mức độ tiêu thụ đồ điện máy ở một số nước bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa”, ông Trần Xuân Kiên, nhà sáng lập Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh nói.

Tại Nhật Bản, hệ thống siêu thị điện máy lớn nhất trong năm 2016 phải đóng cửa khoảng 100 siêu thị. Còn tại Trung Quốc, hai nhà bán lẻ hàng đầu là Gome và Shining, mỗi bên cũng đóng cửa mấy trăm siêu thị. Best Buy của Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Xu thế phát triển mạnh của thương mại điện tử khiến việc kinh doanh với các cửa hàng truyền thống sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ điện máy của người dân bắt đầu đến ngưỡng tăng trưởng chậm lại.

Thậm chí, tại thị trường Nhật Bản, ngành bán lẻ điện máy có những năm còn tăng trưởng âm. Một số nước trong khu vực như Singapore, sản lượng điện máy năm 2017 cũng sụt giảm mấy chục phần trăm.

Đối với thị trường Việt Nam, ở thời điểm này, biểu đồ phát triển của ngành bán lẻ điện máy mới bắt đầu đi ngang, nhưng có thể 1 - 2 năm tới sẽ rõ nét hơn. Sự có mặt ngày càng đông đảo của các công ty thương mại hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới các cửa hàng truyền thống. Tuy nhiên, khi chuyển qua kênh online, cuộc cạnh tranh còn khốc liệt hơn nhiều. Bằng chứng là các đối thủ công nghệ lớn trong và ngoài nước như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi... vẫn đang miệt mài “đốt tiền”.

Viễn cảnh này cho thấy, nguy cơ thị trường bán lẻ điện máy bị bóp nát đang đến rất gần. Nhiều tên tuổi còn lại trên thị trường đang cuống cuồng rao bán.

Top 3 vẫn sống tốt

Ông Trần Xuân Kiên cho rằng, thị trường điện máy không còn nhiều tương lai. Hiện top 3 nhà bán lẻ điện máy hàng đầu đã nắm gần 60% tổng thị trường và cơ hội cho những người còn lại sẽ ít hơn và khó khăn hơn.

Vậy nên, nếu FPT Retail muốn phát triển lĩnh vực bán lẻ điện máy, đồng nghĩa với việc phải lao vào giành giật, lấy thị phần của các đối thủ yếu hơn. Giới chuyên môn cho rằng, hiện trên thị trường, FPT Retail chỉ thua Thế giới Di động về tốc độ và khả năng mở chuỗi. Còn về khả năng quản trị chuỗi, họ đứng số 2 trong ngành, và dù tiềm lực tài chính thua Vinpro, Nguyễn Kim, Thế giới Di động, nhưng lợi nhuận 1 năm của nhà bán lẻ này đã lớn hơn vốn của nhiều đối thủ. Kết thúc năm 2018, FPT Retail đạt tổng doanh thu 15.298 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

“Bước vào lĩnh vực điện máy, FPT Retail mới chỉ là con số 0, nhưng họ sẽ đi lên nhanh. Nếu vươn lên top 3, họ vẫn sống tốt”, một chuyên gia nhận định và dự báo, Thế giới Di động, FPT, Nguyễn Kim sẽ là những nhà bán lẻ điện máy đứng trong top 3.

Trong khi đó, các tên tuổi còn lại như Vinpro cũng đang mở nhanh theo hệ thống trung tâm thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố; Điện máy Chợ Lớn cũng đang vươn lên. Các tên tuổi như Media Mart, Pico được cho là đang hoạt động cầm chừng và trở thành đối tượng của nhiều thương vụ M&A cho đối thủ trong và ngoài nước.

Trước đó, từng có tin đồn, sau khi mua điện máy Trần Anh, Thế giới Di động sẽ tiếp tục mua một nhà bán lẻ điện máy nữa, nhưng đến thời điểm này, nhiều người cho rằng, Thế giới Di động đã là bá chủ thị trường và không cần mua thêm nữa. Thậm chí, lãnh đạo công ty này khẳng định, không muốn “đốt tiền” cho thương mại điện tử.

Với mức doanh thu lên tới hàng tỷ USD, Thế giới Di động vẫn đang tiến rất nhanh. Tính đến cuối tháng 1/2019, Thế giới Di động có 2.214 cửa hàng đang hoạt động; bao gồm: 1.029 cửa hàng Thế giới Di động, 764 cửa hàng Điện Máy xanh và 421cửa hàng Bách Hóa Xanh. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh đã đủ lớn để gây sức ép với nhà cung cấp và tiếp cận người dùng ở khắp cả nước với cự ly ngắn nhất.

Đối với FPT Retail, đang có hai phương án: hợp tác với đối tác hoặc M&A, song nhiều ý kiến nghiêng về phương án tự xây dựng, vì điều đó phù hợp với văn hóa hơn 20 năm nay của Tập đoàn này.

Cuối cùng, dù chọn mảng thị trường nào, hình thức bán lẻ ra sao, thì các “tay chơi” trên thị trường bán lẻ điện máy sẽ không chạy đua cạnh tranh về giá khốc liệt như lúc thị trường bùng nổ, mà sẽ đầu tư vào thế mạnh riêng của mình.

Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc Đối tác bán lẻ Nielsen Việt Nam cho rằng, hành trình mua sắm của người tiêu dùng là tiếp cận đa kênh. Vì vậy, cơ hội sẽ dành cho những doanh nghiệp đảm bảo thông suốt việc bán hành giữa kênh online-to-offline cùng những lợi ích đi kèm. Theo bà Trang, doanh nghiệp bán lẻ điện máy cần phân khúc rõ đối tượng khách hàng, làm rõ nhóm ngành hàng nào tiềm năng và thị trường mình đang tham gia, có sự thử nghiệm đối với chu trình để nhận biết mức độ, thị trường tập trung đang ở đâu, thay vì vội vã đầu tư quá nhiều vào kênh bán hàng trực tuyến.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam: Tiềm năng đi cùng sự khốc liệt

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố: Năm 2018, giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Trong đó, giá trị từ kênh bán hàng online ước lên đến 6,4 tỷ USD. Dự báo, quy mô thương mại điện tử năm 2020 sẽ đạt đến 10 tỷ USD, với giả định tăng trưởng 20% mỗi năm.

Một ngày trước đó, sàn thương mại điện tử thời trang Robins Online, tiền thân là Zalora, bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Thời điểm nói lời tạm biệt của sàn thương mại điện tử này đánh dấu đúng 7 năm kể từ lúc Zalora bước chân vào Việt Nam và gần 3 năm từ lúc nền tảng này về với Central Group - tập đoàn bán lẻ thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Thái Lan, Chirathivat.

Trước đó, năm 2016, Dự án Thương mại điện tử Cdiscount.vn cũng dừng lại sau khi tập đoàn này thâu tóm Big C. Cuối năm 2018, sau hơn 1 năm thành lập, trang Vuivui.com của Thế giới Di động cũng đóng cửa.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục