Chuyên gia hiến kế phát triển chợ đầu mối hiệu quả

(ĐTCK) Cần có những chính sách nhằm phát triển chợ đầu mối Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư kinh doanh chợ đầu mối nói riêng và phát triển hạ tầng thương mại nói chung. Đó là đề xuất được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Phát triển chợ đầu mối ở Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức ngày 27/6.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2017, trên địa bàn cả nước có 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước, tốc độ phát triển chợ đầu mối bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 4,5%.

Chợ đầu mối có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn để tiếp tục phân phối tới các chợ dân sinh và các kênh lưu thông khác. Do vậy, chợ đầu mối có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung và tiêu thụ hàng hóa, là nguồn cung cấp chủ yếu đặc biệt là hàng nông sản cho thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng những năm gần đây, việc phát triển và quản lý chợ đầu mối vẫn còn tồn tại một số hạn chế như cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn yếu kém, lạc hậu.

Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của hàng hóa, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chợ, các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế.

Đặc biệt, theo ông Hội, hạn chế lớn nhất trong phát triển chợ đầu mối chính là nguồn vốn đầu tư cho chợ đầu mối khá cao, trung bình cần 40 tỷ đồng/chợ.

Trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang đặt ra nhiều thách thức.

Trong khi đó, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ đầu mối còn hạn chế và chưa phù hợp, đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi như thuế, đất đai, tín dụng…

Để phát triển chợ đầu mối, các chuyên gia đề xuất cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối, bố trí quỹ đất đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng chợ đầu mối với đầy đủ các khu chức năng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của chợ đầu mối khang trang, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời thay đổi phương thức mua bán, giao dịch tại chợ đầu mối theo hướng hiện đại, phát triển các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác tại chợ đầu mối.

Ngoài ra cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ và áp dụng các phương thức truy xuất hàng hóa kinh doanh tại chợ đầu mối; đẩy mạnh quản lý và cải thiện tình hình vệ sinh môi trường của chợ đầu mối.

Cùng với việc mở rộng quy mô, chợ đầu mối cần chú trọng tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tăng cường các dịch vụ phụ trợ, các khu chức năng.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục