Chuyển đổi số trong truyền hình: Cuộc đua nghẹt thở

Ngành truyền hình đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số lớn lao từ truyền hình truyền thống sang truyền hình OTT (cung cấp nội dung dựa trên nền tảng Internet)…
Thị trường OTT vẫn còn rất mới, đất trống còn nhiều và nhu cầu của người dùng là rất lớn, nên thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển. Thị trường OTT vẫn còn rất mới, đất trống còn nhiều và nhu cầu của người dùng là rất lớn, nên thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển.

Truyền hình OTT lên ngôi, truyền hình truyền thống chật vật

Cách đây ít lâu, ông Nguyễn Đăng Bền, Tổng giám đốc IGV Group đã gặp gỡ lãnh đạo Mushroom - nhà sản xuất chương trình tivi hàng đầu của Thái Lan. Vị này cho biết, 7 kênh truyền hình tại Thái Lan tiếp tục đóng cửa. Ủy  ban Viễn thông và Truyền hình quốc gia Thái Lan đã phải bồi hoàn số tiền lên tới 2,9 tỷ bath (tương đương 2.175 tỷ đồng) cho tần số đã đấu giá để được phát sóng đến năm 2029.

Tại Thái Lan, Workpoint sở hữu nền tảng phân phối nội dung số OTT có lượng đăng ký và trả tiền chiếm thị phần lớn nhất. Hầu hết các nhà sản xuất đều mong muốn đưa các chương trình truyền hình của mình lên nền tảng này để kinh doanh.

Tại Việt Nam, vài năm gần đây, lần lượt các ứng dụng OTT truyền hình đã ra đời, như K+ có MyK+ NOW, SCTV với SCTV VOD, VTVcab có VTVcab ON và Onme, VTC có VTC Now, FPT có FPT Play, các doanh nghiệp như FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy, Clip TV, Fim+… cũng đã tham gia cuộc đua OTT… Nhiều nhà cung cấp đã bắt đầu thu phí với mức từ 20.000 - 125.000 đồng, tùy gói cước.

Theo ông Bền, ở Việt Nam, hiện chưa có nền tảng OTT nào nổi trội và đủ mạnh. “Đến giờ, khi chi phí để chuyển đổi một khán giả từ truyền hình truyền thống sang ứng dụng OTT đã đắt gấp 1.000 lần so với 5 - 6 năm trước, nên câu chuyện “chuyển đổi số” để có khán giả của các nhà đài lại càng khó khăn, xa vời”, ông Bền nhận xét.

Ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ (Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, những năm gần đây, trong khi thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, ở mức tăng 4 - 5%, thì thuê bao truyền hình OTT tăng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với mức tăng tới 50%/năm.

“Thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống phát triển rất chậm, cơ bản đã bão hòa. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão. Với xu hướng như vậy, dịch vụ truyền hình OTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt”, ông Chấn nhận định.

Tiềm năng lớn, nhưng cạnh tranh khốc liệt

Theo ông Nguyễn Đăng Bền, truyền hình OTT ra đời để đưa truyền hình truyền thống trở thành mạng xã hội truyền hình với định hướng lấy khán giả là trung tâm và coi mô hình mạng xã hội như một cơ hội để mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, giải trí và quảng cáo, nên cơ hội phát triển trong ngành truyền hình còn rất lớn.

Tương tự, bà Trương Nguyễn Thu Hà, CEO của Fim+ nhận xét rằng, thị trường OTT vẫn còn rất mới, đất trống còn nhiều và nhu cầu của người dùng là rất lớn, nên thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ OTT là giới trẻ và có nhu cầu đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, truyền hình OTT và truyền hình trả tiền truyền thống đang cùng đối mặt những vấn đề khó khăn lớn như doanh thu bình quân của thuê bao truyền hình Việt Nam (ARPU) thấp, chỉ đạt 3 - 4 USD/thuê bao/tháng; đầu tư chi phí sản xuất và mua bản quyền ngày càng lớn; tình trạng vi phạm bản quyền… và đặc biệt là làn sóng OTT xuyên biên giới không phép đang giành giật doanh thu, khách hàng, khiến ngành truyền hình chật vật.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 theo hướng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước trên cùng một điều kiện pháp lý. Như vậy, sự cạnh tranh đối với ngành truyền hình sẽ ngày càng khốc liệt, đòi hỏi sự thay đổi rất lớn của các “nhà đài”.

Theo ông Tạ Sơn Đông, Phó tổng giám đốc VTVCab, chiến lược của VTVCab là lấy nội dung làm “vũ khí chiến lược”. “Nội dung phải là giá trị cốt lõi của truyền hình, là công cụ cạnh tranh quan trọng bậc nhất. Nội dung khác biệt sẽ tạo điểm nhấn cho dịch vụ, nội dung đặc sắc là điểm mạnh và lợi thế của nhà cung cấp dịch vụ”, ông Đông chia sẻ.

Còn ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media cho biết, doanh nghiệp này xác định chiến lược phát triển rất rõ nét. Mục tiêu là xây dựng Keeng trở thành một OTT nội dung chất lượng cao, có bản quyền với 3 nhánh: Keengmovies, KeengTV và Keengmusic. Mô hình kinh doanh theo hướng bán nội dung (content-based business model) cho khách hàng sử dụng. Hiện tại, Keeng đang trong quá trình phát triển KeengTV - kênh TV trực tuyến, dự kiến ra mắt người dùng vào đầu năm tới.

Về phần mình, bà Trương Nguyễn Thu Hà cho hay, chiến lược phát triển của Fim+ là đẩy mạnh mở rộng kho phim với các bộ phim sớm nhất và mới nhất của Việt Nam và nước ngoài, đồng thời phát triển mạnh trên các nền tảng mới, đầu tư vào sản xuất phim bộ độc quyền, cũng như đầu tư công nghệ mới để thỏa mãn trải nghiệm của khách hàng.

Như vậy, rất có thể, thời gian tới, sẽ xuất hiện không chỉ cuộc “rượt đuổi nội bộ” giữa truyền hình OTT với truyền hình trả tiền truyền thống, giữa OTT với nhau, mà còn là cuộc cạnh tranh “tay ba” của OTT, truyền hình truyền thống và các dịch vụ OTT xuyên biên giới tiền nhiều, công nghệ mạnh.

Hiện Việt Nam có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thành, truyền hình trả tiền, trong đó có 20 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ này trên Internet (phát thanh, truyền hình Internet; truyền hình OTT).

Đến hết tháng 6/2019, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền đạt 15,3 triệu, tăng 800.000 thuê bao so với cuối năm 2018.

Năm 2018, tổng doanh thu của ngành truyền hình trả tiền đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017.

Nếu lấy doanh thu 6 tháng đầu năm của ngành truyền hình trả tiền Việt Nam chia cho tổng số 15,3 triệu thuê bao thì ARPU tháng của thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam chỉ đạt hơn 20.000 đồng.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục