Apple giờ chỉ là kẻ chạy theo xu hướng

Thay vì là hãng mở đầu một trào lưu mới, Apple giờ đây chỉ trang bị cho iPhone những tính năng mà các đối thủ đã có từ lâu.
Điểm nhấn trên iPhone 11 là camera. Ảnh: Engadget. Điểm nhấn trên iPhone 11 là camera. Ảnh: Engadget.

Trong sự kiện ra mắt iPhone mới hôm 10/9, khán giả dường như đã bớt đi những tiếng trầm trồ mỗi khi Apple xướng tên những tính năng mới.

"Theo dõi sự kiện, tôi có cảm giác như Apple đang quảng cáo những thứ mà công ty khác đã thử nghiệm và giới thiệu trước đó", cây viết Cherlynn Low của Engadget nhận xét. "Apple có thể làm những thứ đó tốt hơn đối thủ, nhưng công ty cũng đang chấp nhận rủi ro của một kẻ theo sau".

Theo Low, Apple dường như đang đặt cược mọi thứ trên iPhone 11 vào nhiếp ảnh - lĩnh vực mà công ty Mỹ từng dẫn đầu và "tỏa sáng". Lấy ví dụ, tính năng chụp ảnh tính toán Deep Fusion mới được Phó chủ tịch tiếp thị toàn cầu Apple Phil Schiller mô tả là "tuyệt vời".

Theo người này, Deep Fusion là hệ thống xử lý hình ảnh bằng công cụ Neural Engine dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), có khả năng tự động học hỏi để tìm ra giải pháp thu được ảnh có chất lượng tốt nhất trong điều kiện ảnh sáng từ yếu đến trung bình.

Tuy nhiên, Deep Fusion chưa có mặt ngay lập tức trên iPhone. Công ty Mỹ cho biết tính năng mới sẽ trình làng vào cuối mùa thu này, do đó hiệu quả của nó chỉ mới được kiểm chứng bởi chính Apple, trong khi người dùng phải đợi trên thời gian.

Bỏ qua thời gian đến tay người dùng, Deep Fusion là thể hiện rõ ràng nhất của Apple trong việc cố gắng chạy theo đối thủ cạnh tranh.

Tính năng chụp ảnh thiếu sáng không mới, Google Pixel 3 hay thậm chí model Pixel 3a giá rẻ đã có thể ghi lại những hình ảnh rõ ràng trong môi trường tối hoàn toàn.

Huawei với chế độ Night Mode trên P30 Pro được chuyên trang DxOMark đánh giá "rõ như ban ngày". LG và Samsung cũng đều đã tự đưa ra tính năng này lên sản phẩm của mình từ lâu và đạt thành công ở mức độ khác nhau.

Quay lại thời điểm iPhone 7 - iPhone đầu tiên có camera kép - Apple đã chọn cách tiếp cận hấp dẫn hơn so với đối thủ khi đó: lấy ống kính tele làm camera phụ, thay vì tích hợp cảm biến đơn sắc như Huawei P9 hay góc rộng trên LG G5.

Cách này đã biến smartphone của công ty Mỹ được đánh giá cao về camera, góp phần đưa máy trở thành một trong những thiết bị có doanh số cao nhất.

Dẫn đầu xu hướng camera kép, nhưng Apple lại đang chạy theo cụm camera với số lượng ống kính nhiều hơn. Trên iPhone 11 Pro và Pro Max, hãng cố gắng nhồi nhét ba ống kính, với các chế độ từng xuất hiện trên nhiều smartphone khác, chẳng hạn góc siêu rộng đã có trên Samsung Galaxy S10 hay mới đây là Note10.

Khác với đối thủ cố gắng đưa vào độ phân giải càng cao càng tốt, Apple chỉ dừng lại ở 12 megapixel trên iPhone 2019.

Thay vào đó, hãng tập trung cho các tính năng cần thiết để tạo ra bức ảnh đẹp, chẳng hạn lấy nét tự động trong môi trường ánh sáng yếu, tăng kích thước pixel để hình ảnh tốt hơn.

Hãng cũng bổ sung camera góc siêu rộng 120 độ và thực tế việc chụp ảnh bằng camera này cũng trở nên cần thiết, nhất là với không gian nhỏ hẹp.

Không chỉ iPhone, Apple cũng đang cố gắng học hỏi đối thủ về tính năng mới trên nhiều sản phẩm khác, chẳng hạn như Watch Series 5.

Lần đầu tiên hãng đưa chế độ màn hình luôn bật lên smartwatch của mình, nhưng hầu hết thiết bị tương tự của Huawei, Samsung, Xiaomi đã có từ lâu.

Tính năng theo dõi sức khỏe phụ nữ mà Apple giới thiệu cũng đã và đang có mặt trên smartwatch của Garmin hay Fitbit.

Với loạt chi tiết này, có vẻ như Apple đang mang đến cho người dùng sự hoàn thiện về trải nghiệm hơn là cho họ một cách tiếp cận mới, nhưng nó cũng thể hiện một điều: Apple đang muốn mình trong vòng an toàn thay vì mạo hiểm. 

Sẽ có ý kiến cho rằng hãng điện tử Mỹ không phải là người chậm chân nhất trong các cuộc đua công nghệ bởi còn những đối thủ chưa có sản phẩm như công ty đang làm.

Tuy nhiên, hãng cũng không phải là cái tên còn gây ấn tượng với những sự đột phá, tiên phong như trước.

"Sự đổi mới luôn đi kèm với thước đo về rủi ro. Apple đang muốn mình an toàn", một chuyên gia nhận định. "Thái độ chờ đợi của Apple khiến công ty không còn tạo ra những thông tin 'sốt dẻo' về sản phẩm như trước.

Thẳng thắn mà nói, đã lâu rồi Apple không còn gây ngạc nhiên về một ý tưởng mới mẻ mà khi biết được, bạn phải thốt lên rằng 'Ồ, đây mới chính là Apple của tôi'. Có thể, đôi khi bạn quên rằng iPhone từng là một thiết bị dẫn đầu xu hướng".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục