Thường trực Chính phủ đồng ý nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu kịp thời thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Thường trực Chính phủ đồng ý nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023

Theo Kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó vào ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Với mức giá bán lẻ điện mới, ước tính EVN sẽ thu thêm được 8.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN của Đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN riêng năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.

Theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và quy định pháp luật có liên quan trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu có chính sách, giải pháp phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế theo quy định của pháp luật. Thực hiện thật tốt, hiệu quả, kịp thời công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội và phải quyết định theo thẩm quyền, không giao quá nhiều và bàn khi đã có nguyên tắc xử lý.

Theo kịch bản xây dựng của Bộ Công Thương và EVN báo cáo, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5% , trong điều kiện tổng nguồn chỉ có từ 50.000 MW đến tối đa là 52.000 MW. Để thực hiện được kịch bản này, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các cơ quan liên quan phải chủ động trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phân công thực hiện kịch bản đã đề ra bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và có thể tính toán cao hơn khi có điều kiện cho phép tăng trưởng cao hơn.

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho các tháng cuối năm 2023, năm 2024, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Với giải pháp về nguồn điện, để bảo đảm nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện: Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), EVN và các đơn vị có liên quan phối hợp tính toán, xác định nhu cầu và kế hoạch cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024.

Trên cơ sở đó, TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động, tích cực triển khai ngay các giải pháp tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Liên quan đến đề xuất khai thác vượt công suất 15% sản lượng của TKV, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được giao chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TKV và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền và quy định pháp luật trong tháng 11/2023. Trường hợp có vướng mắc, vượt thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì xử lý, dứt khoát không để vướng mắc ảnh hưởng đến việc khai thác, cung ứng than phục vụ sản xuất điện hàng năm.

Để bảo đảm vận hành tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện, Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy điện than trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc, cần có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, bảo trì phù hợp, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động phát điện của cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cao điểm.

Đối với nguồn thuỷ điện, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và các đơn vị có liên quan chỉ đạo điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc và tiếm kiệm giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (thường là vào tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

Các Chủ sở hữu hồ, đập, thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên nước.

Đối với nguồn năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm; Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 để đưa vào Nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái đối với nhà ở, công sở và khu công nghiệp tự sản tự tiêu.

Tham mưu Chính phủ có văn bản chính thức gửi Quốc hội (việc này Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương). Trên cơ sở đó, thống kê, tổng hợp báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước ngày 10/11/2023 các dự án nguồn điện có vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật mà chưa được đưa lên lưới hoặc được đưa lên lưới nhưng không sử dụng hết công suất - có giải pháp để tránh lãng phí tài sản nhà nước, doanh nghiệp.

Đối với nhập khẩu điện, EVN chủ trì cùng PVN, TKV và các cơ quan liên quan tính toán, cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, trường hợp cần thiết có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc nhưng phải chủ động sớm dự báo chính xác.

Với các dự án nguồn điện than BOT, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN được giao thống kê lạicác dự án BOT chậm tiến độ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11/2023. Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chấm dứt hợp đồng.

EVN được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện Kế hoạch cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo bảo đảm vận hành đồng bộ, hiệu quả, tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi trường hợp, trình Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo thẩm quyền và phê duyệt, hoàn thành trong tháng 11/2023.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục