Thưởng thức bữa tiệc văn hoá đầy màu sắc cùng đoàn múa dân gian Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, một sự kiện văn hóa đặc biệt đã diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, ở đó khán giả Việt Nam được thỏa sức hòa mình vào những vũ điệu độc đáo của đoàn múa dân gian Ấn Độ mang tên Pratibha Kala Kendra.
Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Linh) Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam, do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam tổ chức, sự kiện diễn ra từ ngày 26 đến 31/3.

Đoàn múa dân gian Ấn Độ Pratibha Kala Kendra đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc văn hóa đầy màu sắc và sức hút đặc biệt. Với những điệu múa quyến rũ, các vũ công đã khiến khán giả phải say đắm trong không khí của văn hóa Ấn Độ với những nét đẹp truyền thống.

Buổi biểu diễn không chỉ là cơ hội để các nghệ sỹ trình diễn tài năng của mình mà còn là dịp để giao lưu, học hỏi và trải nghiệm văn hóa của đất nước bạn. Đây là cơ hội hiếm có để khán giả Việt Nam có để chiêm ngưỡng và thưởng thức nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Ấn Độ ngay tại quê nhà.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được chia sẻ nền văn hóa phong phú của Ấn Độ với bạn bè Việt Nam. Hy vọng rằng, qua sự kiện này, các bạn trẻ sẽ có thêm động lực để tìm hiểu và kết nối với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới".

Không chỉ là một sự kiện văn hóa, buổi biểu diễn của đoàn múa dân gian Ấn Độ cũng là cơ hội để tạo ra các mối quan hệ mới, góp phần thúc đẩy hợp tác và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Mang điệu múa mùa xuân đến với khán giả Việt Nam, cô Pratibha Sharma, nghệ sỹ múa Ấn Độ đã chia sẻ cảm xúc của cô về những điểm tương đồng trong văn hóa hai nước.

“Tôi đã từng đến Việt Nam vào năm 2007 để biểu diễn ở TP.HCM và Hà Nội. Khi đó vấn đề duy nhất của tôi là rào cản ngôn ngữ, nhưng tôi nghĩ tình cảm từ bên trong có thể kết nối mọi người dù không cần có thứ ngôn ngữ nào.

Khi chúng ta có sự đồng điệu, tích cực, nhất là khi chúng ta muốn kết nối mọi người thông qua văn hóa, thì đó chính là cách biểu đạt chạm đến mọi người. Tôi nghĩ về điểm này thì văn hóa Việt Nam cũng có sự tương đồng với Ấn Độ. Hay nói một cách ngắn gọn chúng ta đều nghĩ về cả thế giới như một gia đình", nghệ sỹ Sharma nói.

Tại chương trình, các nghệ sỹ Ấn Độ mang đến cho khán giả 5 tiết mục múa, với các câu chuyện khác nhau xoay quanh cuộc đời và tình yêu của thần Krishna và Radha và lễ hội mùa xuân. Các câu chuyện được thể hiện bằng âm nhạc và các động tác dân gian, trang phục độc đáo đậm bản sắc văn hóa Ấn Độ.

Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam hy vọng các tiết mục văn hóa dân gian của Ấn Độ sẽ được khán giả Việt Nam đón nhận, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Đại sứ cho rằng, những điệu múa dân gian Ấn Độ được trình diễn lần này là những điệu múa gần gũi với những người dân bình thường, mà khán giả có thể thấy giai điệu, động tác uyển chuyển và linh hoạt hơn chứ không đi theo những quy tắc nghiêm ngặt như các điệu múa cổ điển.

Các tiết mục biểu diễn đậm đà nét hoá Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Các tiết mục biểu diễn đậm đà nét hoá Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Linh)

"Là người đại diện cho đất nước Ấn Độ tại Việt Nam, tôi thấy mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước là một thành tố rất quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta. Và muốn xây dựng mối quan hệ này thì đòi hỏi việc hiểu biết lẫn nhau cũng như việc hiểu văn hóa của nhau.

Nên màn trình diễn hôm nay đưa một nhóm múa dân gian truyền thống của Ấn Độ đến với các khán giả trẻ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội với ý tưởng giới thiệu một chút văn hóa dân gian Ấn Độ, các điệu múa và âm nhạc Ấn Độ, cho sinh viên. Thông qua những hoạt động này, tôi mong rằng văn hóa Ấn Độ sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn đến khán giả Việt Nam, những người bạn rất ấm áp và hào phóng.", Đại sứ khẳng định.

Trao đổi bên lề chương trình, Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trường có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với cả Ấn Độ và các nước khác nhằm gia tăng hiểu biết của sinh viên về các nền văn hóa trên thế giới, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo.

"Ấn Độ là một nước có thế mạnh về công nghệ thông tin, và chúng tôi sẵn sàng kết nối, ký kết hợp tác với các trường nổi tiếng của Ấn Độ trong lĩnh vực này.", ông Điền nói.

Sự kiện này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, đặc biệt là những người trẻ tuổi, mang lại cho họ những trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa. Qua đó, sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được nâng lên một tầm cao mới, tạo ra một cầu nối vững chắc và sâu sắc hơn giữa hai nền văn hóa đặc trưng này.

Ngoài Hà Nội, đoàn múa Ấn Độ cũng sẽ có các chuyến lưu diễn tại Quần thể danh thắng Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (28/3); Trường Đại học Thái Nguyên và Trường THCS Việt Nam - Ấn Độ, tỉnh Thái Nguyên (29/3); Tỉnh Lào Cai (30/3); Nhà hát Hồng Hà, tỉnh Yên Bái (31/3).

Bên cạnh những màn trình diễn hấp dẫn, chuyến lưu diễn sẽ bao gồm các hội thảo giao lưu, mang đến cho khán giả cơ hội tìm hiểu về lịch sử, kỹ thuật múa và những đặc trưng của các điệu múa dân gian Ấn Độ trực tiếp từ chính các nghệ sỹ.

Nguyễn Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục