Hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, và hàng loạt “ông lớn” như Microsoft, IM Group, VNG, P.A Việt Nam… đã tập trung thảo luận về xu hướng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam tại hội thảo mang tên “Xu hướng thương mại điện tử và vấn đề pháp lý”.
Và một trong những con số được nhắc đến, đó là theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng 20%/năm và sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy vậy, trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đã phát triển nhanh hơn và được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2017, vượt cả kế hoạch đề ra.
Nhiều tiềm năng tăng trưởng như vậy, song theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều rào cản để thương mại điện tử phát triển bền vững. Đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng, hàng hoá, dịch vụ khi họ mua sắm trực tuyến và tính bảo mật khi thanh toán trên mạng.
Cũng chính bởi thế, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), mặc dù thương mại điện tử của Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua, nhưng quy mô thị trường không lớn và quy mô giao dịch còn nhỏ.
“Các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa và tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến trên trang web bán hàng. Các doanh nghiệp cũng cần theo sát những xu hướng thương mại điện tử mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh”, ông Liên nói.
Cũng theo ông Liên, thì việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu là điều tiên quyết để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa trên thương mại điện tử, thì việc lựa chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xây dựng một hiện diện trực tuyến tin cậy trong mắt khách hàng, qua đó, doanh nghiệp có thể bảo đảm thành công.
Việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu là điều tiên quyết để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Công ty P.A Việt Nam chia sẻ, để sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xậy dựng một website thành công với một tên miền phù hợp.
“Với các doanh nghiệp muốn vươn ra toàn cầu, tên miền .com luôn là một tên miền đáng tin cậy, nhờ tính sẵn có, độ tín nhiệm và độ ổn định cao của tên miền này trong hơn 18 năm qua”, ông Học nói.
Cũng để thương mại điện tử ngày càng minh bạch hơn, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) đang nỗ lực để trong trường hợp có tình trạng kinh doanh không lành mạnh, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể khiếu nại lên Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin để được hỗ trợ xử lý.