Thương mại điện tử, “con voi” chui lọt lỗ kim

(ĐTCK) Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện có nhiều kẽ hở trong quản lý thương mại điện tử (TMĐT).
Thương mại điện tử, “con voi” chui lọt lỗ kim

> Khởi tố, bắt tạm giam các "sếp sòng" Muaban24

Thế nhưng, dự thảo Nghị định về TMĐT do Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo lại chưa đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này. 

Thương mại điện tử, “con voi” chui lọt lỗ kim ảnh 1

Hàng loạt hành vi chiếm đoạt tài sản, trốn thuế đã xảy ra tại MB24

Cần ngăn vi phạm về thanh toán

Theo Luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn luật sư Hà Nội, một trong những vi phạm phổ biến trong TMĐT là vi phạm trong hoạt động thanh toán điện tử bằng thẻ, Internet banking, Mobile banking, ví điện tử… Thế nhưng, ban soạn thảo lại không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến các hành vi vi phạm này trong dự thảo Nghị định. Do tại Điều 4 của dự thảo quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT, nên cần thiết phải thống kê rõ ràng các hành vi vi phạm, để có biện pháp ngăn chặn.

Với lý lẽ như vậy, ông Lam đề xuất, dự thảo cần bổ sung các vi phạm về thanh toán điện tử trong TMĐT, với nội dung: các vi phạm liên quan đến hoạt động phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng trong TMĐT theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); các vi phạm liên quan đến thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, ví điện tử…

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của TMĐT đang đẩy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước “rơi” lại phía sau khá xa. Điều này làm xuất hiện các dấu hiệu vi phạm ngày càng phức tạp trong hoạt động TMĐT. Hàng loạt hành vi chiếm đoạt tài sản, trốn thuế xảy ra tại CTCP Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) ở nhiều địa phương, mà cơ quan điều tra đang làm rõ là một điển hình.

 

Chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý

Để nâng cao hiệu lực trong quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, các chuyên gia đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chức năng, thay vì quy định vừa chung chung, vừa thiếu như trong dự thảo Nghị định.

Theo đó, ông Lam đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh toán trong TMĐT đối với NHNN theo hướng: tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động của hệ thống thanh toán, đảm bảo các hệ thống thanh toán hoạt động an toàn và hiệu quả như xây dựng cơ chế quản lý, vận hành hệ thống thanh toán, cấp phép thanh toán điện tử…; thực hiện công tác thanh, kiểm tra các hoạt động thanh toán điện tử. NHNN cũng phải chịu trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trí Tuệ đề nghị, dự thảo cần bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các ngân hàng khi giao dịch vô hiệu, không thành công. Cũng cần có quy định chi tiết việc NHNN yêu cầu, chỉ định ngân hàng thương mại là người đảm bảo cho thanh toán trong giao dịch TMĐT.

“Dự thảo cần bổ sung quy định Bộ Thông tin - Truyền thông chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn hệ thống công nghệ thông tin cho DN khi tham gia giao dịch TMĐT…”, ông Đạt đề nghị.

TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, dự thảo Nghị định cần bổ sung các quy định làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan cấp chứng chỉ đào tạo an toàn, an ninh TMĐT cho Bộ Công thương. Đây là giải pháp để không chỉ nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về hoạt động TMĐT, mà còn nhằm thực hiện tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới…

Ở vị trí của cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), cho biết, ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng DN sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu trước khi hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến của các bộ, ngành vào khoảng cuối tháng 9 tới. Theo kế hoạch, tháng 12/2012, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét ban hành.   

> Khởi tố, bắt tạm giam các "sếp sòng" Muaban24

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục