Ngày 23/8/2018, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam và Masan Consumer vinh dự đứng trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Masan Consumer nằm trong Top 10. Giá trị thương hiệu Masan Consumer đã tăng dần theo các năm, từ 126 triệu USD (2016) lên 218 triệu USD (2017) và đến năm nay đã là 238 triệu USD (khoảng 5.550 tỷ đồng).
Forbes đo lường giá trị của một thương hiệu thông qua các số liệu tài chính. Những thương hiệu giá trị nhất là những thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong những ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Đối với việc thu thập dữ liệu tài chính, Forbes thu thập từ báo cáo tài chính và thị trường chứng khoán, sau đó áp dụng mức P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần của một công ty) trung bình ngành để xác định giá trị thương hiệu chung cuộc.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu của Masan Consumer còn được chứng minh qua kết quả nghiên cứu Brand Footprint 2017 của Kantar Worldpanel: với 6 nhãn hiệu nằm trong Top 10 các thương hiệu mạnh về thực phẩm và đồ uống tại khu vực Nông thôn, Masan sở hữu số lượng thương hiệu mạnh nhiều nhất trong ngành.
Đặc biệt, nhãn hiệu Nam Ngư tiếp tục là thương hiệu Thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở Nông thôn đồng thời đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Thành Thị. Hiện Masan Consumer đang là nhãn hiệu đứng thứ hai tại Việt Nam về số lần chọn mua với 306 triệu lần, chỉ sau Unilever.
Nhờ vào chiến lược tái đầu tư xây dựng thương hiệu và gia tăng độ nhận biết thương hiệu một cách chiến lược và hiệu quả, Masan Consumer đã quay trở lại Top 3 công ty đầu tư xây dựng thương hiệu nhiều nhất và việc tung các sản phẩm mới thành công trong nửa cuối năm 2017 đã giúp doanh thu thuần đạt 7.338 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 5.462 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017.
Tăng trưởng này đến từ tăng trưởng của ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và người tiêu dùng cũng đang chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp của Masan Consumer.
Tăng trưởng của ngành gia vị đến từ sự phục hồi của các nhãn hiệu cốt lõi như Chin-su và Nam Ngư cùng các sản phẩm cao cấp mới tung trong năm 2017. Doanh thu thuần của ngành gia vị trong nửa đầu năm 2018 tăng 41,9% lên 3.038 tỷ đồng từ 2.141 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu thuần từ ngành thực phẩm tiện lợi tăng 37,0% lên 1.996 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, so với mức 1.457 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 chủ yếu nhờ tăng trưởng sản lượng.
Trong khi đó, ngành cà phê ghi nhận doanh thu thuần 648 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 16,3% so với mức 558 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, phần lớn cũng là do tăng sản lượng
Về lĩnh vực đồ uống, doanh thu nửa đầu năm 2018 của ngành đồ uống là 1.233 tỷ đồng, dẫn đầu bởi nước tăng lực Wake-up 247, nhờ vào mạng lưới phân phối được mở rộng và sức mạnh thương hiệu được cải thiện.
Theo Ban Điều hành, doanh thu và lợi nhuận cả năm 2018 được kỳ vọng tăng trưởng lần lượt là 25% và 50%, trong đó lợi nhuận thần phân bổ cho cổ đông Công ty là từ 3.100 đến 3.400 tỷ đồng. Ngoài ra, Masan Consumer còn kỳ vọng đạt EBITDA trên 4.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2017.