Thuốc “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công - Bài 3: Chắt chiu từng đồng vốn của dân

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu.
Phải chuẩn bị dự án thật tốt, rút ngắn được thủ tục đầu tư, thì tiến độ mới nhanh, đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Phải chuẩn bị dự án thật tốt, rút ngắn được thủ tục đầu tư, thì tiến độ mới nhanh, đầu tư sẽ hiệu quả hơn.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Để giải quyết dứt điểm, phải có các thuốc “đặc trị”, không phải chỉ bằng quyết tâm chính trị, mà phải bằng cả một kế hoạch đầu tư công trung hạn hiệu quả và có tầm nhìn xa.

Bài 3: Chắt chiu từng đồng vốn của dân

Quốc hội đã thông qua Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Có tiền, có dự án rồi, phải chuẩn bị đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư thật nhanh chóng và chuẩn xác. Nếu không, không giải ngân được thì vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả.

13 đời bộ trưởng chưa làm xong một con đường

“Có những con đường 400-500 tỷ đồng mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong”. Đó là câu chuyện mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ trong phiên thảo luận mới đây tại Quốc hội.

Ông kể, năm 2011, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã chỉ đạo HĐND tỉnh rà soát các dự án đầu tư công. Kết quả, có tới 3.650 dự án, nhưng tổng mức đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng. Tức là mỗi dự án được đầu tư chưa đến 1 tỷ đồng, rất manh mún và chia cắt, nhưng quan trọng nhất là kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lại nhắc đến dự án tái định cư khu vực thủy điện ở một số nơi, với vốn đầu tư 6.200 tỷ đồng. Nhưng đã 3 nhiệm kỳ, nhiều người dân nhường đất để xây dựng thủy điện mà đến nay vẫn chưa có nhà ổn định và rất khó khăn.

Đó là thực trạng đầu tư công một thời. Manh mún, thiếu vốn, nên không thể sớm hoàn thành đã đành, có nhiều dự án, tiền có sẵn, mà còn không tiêu được, vẫn cứ chậm tiến độ, gây lãng phí.

Thế nên, suốt bao năm qua, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh “kinh niên” của nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giải ngân bình quân hàng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất, trên 97,46%, nhưng thực tế, vẫn còn 3.646 trong tổng số 11.000 dự án đầu tư trong giai đoạn này chưa hoàn thành. Vẫn còn tình trạng chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đáng chú ý, trong số này, có không ít dự án quy mô lớn và có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước. Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một số dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ năm 2017-2018, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao, tạo áp lực rất lớn đến cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Đã có 12 dự án được “điểm mặt, chỉ tên” thuộc diện này, với tổng vốn chưa giải ngân hết là hơn 4.100 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Giờ đã giữa năm 2021, nhưng dự án quan trọng quốc gia này vẫn còn hơn 1.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân.

Ngoài ra, còn một loạt dự án khác, như Hồ chứa nước Ka Pét (tỉnh Bình Thuận), Hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), hay Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (tỉnh Quảng Bình)…

“Mặc dù vốn bố trí cho ngành giao thông chiếm tỷ trọng cao nhất (42,9%) trong tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, nhưng việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vẫn chưa đạt yêu cầu. Các dự án, công trình giao thông khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển. Nhiều dự án đường cao tốc, đường bộ quan trọng còn chậm tiến độ, như Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Việc các dự án này chậm tiến độ đã khiến giấc mơ bao đời nay của những người dân Tây Nam bộ và Đông Nam bộ về những nhịp cầu, những con đường “nối nhịp bờ vui” vẫn còn dang dở. Cầu Cát Lái, những cây cầu ngàn tỷ Phước Khánh và Bình Khánh trong tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và ngay cả cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ vẫn tiếp tục trễ hẹn, chẳng biết bao giờ mới xong…

Vì đâu nên nỗi?

Một chuyên gia trong lĩnh vực này khi nói chuyện với phóng viên Báo Đầu tư đã thẳng thắn rằng, do khâu chuẩn bị dự án, do thủ tục đầu tư còn quá nhiều vấn đề.

Vị này cho biết, lâu nay, khâu chuẩn bị đầu tư ít được quan tâm. Điều này xuất phát từ một thực tế là, để “chớp thời cơ” xin được vốn, nên các quyết định đầu tư thường vội vàng. Công tác chuẩn bị dự án sơ sài, nên khi có tiền phải chuẩn bị dự án lại từ đầu, mất rất nhiều thời gian. Giai đoạn 2016-2020 thì vướng câu chuyện “con gà - quả trứng”, là tiền có trước hay dự án có trước. Muốn có tiền thì phải có dự án, nhưng muốn có dự án thì phải có tiền để chuẩn bị đầu tư, được phê duyệt chủ trương đầu tư. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến nảy sinh các quyết định đầu tư vội vàng, chuẩn bị dự án chưa đến đầu đến đũa.

Sau khi chuẩn bị dự án, là cả một giai đoạn “trường kỳ kháng chiến” với các thủ tục đầu tư. Theo tính toán của vị chuyên gia nói trên, một dự án thông thường mất 2 năm, thậm chí 3 năm cho công tác này.

“Chưa kể, còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công, tư vấn… Thậm chí, các dự án sử dụng vốn ODA, dự án PPP còn lâu hơn. Có dự án từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi có khoản giải ngân đầu tiên mất khoảng 4 năm, tức là gần hết một kỳ trung hạn”, vị này nói và dẫn chứng câu chuyện Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được phê duyệt từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án trọng điểm trên đến nay vẫn không giải ngân hết kế hoạch được giao là do quy mô giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến 5.541 hộ gia đình, khiến công tác kiểm kê, quy chủ, xác định giá đất cụ thể, lập phương án bồi thường phức tạp, mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, Dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM lại vướng vì quá trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán kéo dài. Còn Dự án Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 giải ngân chậm do công tác lập hồ sơ thiết kế còn nhiều sai sót…

“Hai nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, tôi thấy, lúc nào Chính phủ cũng đốc thúc. Mà càng đốc thúc, tiến độ giải ngân càng chậm, trong khi lúc nào cũng kêu thiếu tiền. Có lẽ, do cách lập kế hoạch đầu tư, cách thức thực hiện, giám sát, chế tài có vấn đề”, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Tiến, các đại biểu đi giám sát về rất buồn. “Công trình thì dở dang, không đưa vào sử dụng được, rất lãng phí, trong khi tiền để trong két. Tôi nghĩ, cả Quốc hội, Chính phủ, từng đơn vị cần ngồi lại để trả lời câu hỏi trăn trở của đại biểu, người dân. Chứ để thế này rất lãng phí”, ông Tiến nói.

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận chuyện chất lượng xây dựng kế hoạch và chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, có nơi còn mang tính hình thức, chủ quan, chưa gắn với thực tiễn và quy định pháp luật, phải điều chỉnh nhiều lần, thời gian thực hiện kéo dài, phân bổ vốn còn dàn trải, cào bằng... Còn tình trạng phê duyệt dự án chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành, nhất là quy định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt dự án mang tính hình thức để ghi vốn. Khi dự án được quyết định và bố trí vốn mới thực sự tiến hành hoàn tất việc chuẩn bị đầu tư.

“Giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn, mất thời gian, đã làm chậm tiến độ của hầu hết dự án. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên, gây khó khăn cho việc cân đối vốn và việc hoàn thành dự án đúng tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhắc đến 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, liên quan đến nhận thức, chính sách pháp luật và công tác triển khai.

Về nhận thức là chuyện “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho.

Về chính sách pháp luật là chuyện vẫn còn một số quy định của pháp luật về đầu tư công chưa thật sự hợp lý, nhất là trong giai đoạn đầu.

Còn về công tác triển khai là chuyện phân bổ vốn đầu tư còn bình quân, thiếu trọng tâm trọng điểm; chuyện người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh; chuyện giải phóng mặt bằng, tổ chức triển khai còn nhiều bất cập, nên nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...

Chắt chiu từng đồng vốn

“Phải chuẩn bị dự án thật tốt, rút ngắn được thủ tục đầu tư, thì tiến độ mới nhanh, đầu tư sẽ hiệu quả hơn”, vị chuyên gia trên nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu thì thẳng thắn: “Phải mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân”.

Thực tế, chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ luôn khiến Chính phủ đau đầu, nhất là trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, giải ngân đầu tư công được coi là “cứu cánh” cho nền kinh tế.

Rất nhiều lần, người đứng đầu Chính phủ, các chuyên gia kinh tế rất sốt ruột trước tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Năm ngoái, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, giải ngân vốn đầu tư công đã đạt đỉnh, góp phần quan trọng giúp kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%.

Nhưng 6 tháng đầu năm nay, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công lại tái diễn. Sau 6 tháng, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới được gần 134.000 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 34% của cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giải ngân vốn nước ngoài đạt rất thấp, mới chỉ 7,37%.

Vốn ngân sách có mà không tiêu được đã lãng phí, vốn vay ODA giải ngân thấp càng lãng phí hơn, bởi kể từ khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, vốn vay ODA đã trở nên đắt đỏ hơn. Không sớm triển khai dự án, đưa vào hoạt động không chỉ khiến chúng ta lãng phí nguồn lực quý báu, mà còn làm mất cơ hội phát triển chỉ vì kẹt xe, nghẽn đường, tắc vốn.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, phải sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này, phải chắt chiu từng đồng vốn của dân để đầu tư cho phát triển, bắt đầu từ việc chuẩn bị tốt dự án và đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thúc đẩy giải ngân nhanh dự án.

Phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước; hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án.

Mức vốn ngân sách bố trí bình quân đầu người vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ chiếm tỷ trọng cao nhất; thấp nhất là vùng miền núi phía Bắc.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục