“Thùng rác sinh học” nhận giải Holcim Prize 2013

(ĐTCK) Đây là đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên đến từ Đại học Kiến trúc TP. HCM.
Ban tổ chức trao giải đặc biệt cho công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc TP. HCM Ban tổ chức trao giải đặc biệt cho công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc TP. HCM

Nhóm tác giả sử dụng mô hình giun xử lý rác thải hữu cơ ứng dụng công nghệ cho thân cây thanh long để tạo ra “Thùng rác sinh học” với chi phí khoảng 5 triệu đồng/thùng.

Ngoài giải thưởng 70 triệu đồng, nhóm tác giả sẽ nhận thêm tối đa 200 triệu đồng để đưa đề tài ứng dụng vào thực tiễn.

Ngoài giải đặc biệt, Holcim Việt Nam còn trao giải bảo vệ môi trường cho nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng với đề tài “Sản xuất panel làm trần cách nhiệt từ các phế phẩm nông nghiệp”.

Đề tài “Mô hình cho thuê xe đạp tại TP. HCM - nghiên cứu ứng dụng thí điểm tại trường Đại học Quốc gia TP. HCM” của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM nhận giải phát triển cộng đồng.

Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận giải xây dựng bền vững với “Nghiên cứu sử dụng chất thải rắn - SIT của các mỏ than Thái Nguyên làm nguyên liệu sản xuất Block bê tông trang trí tự chèn”.

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và Đại học Cần Thơ nhận giải khuyến khích.

Giải thưởng Holcim Prize được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2009 đã nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích, hấp dẫn, có tính chuyên môn cao, thu hút hàng trăm đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học từ 7 trường đại học lớn hàng đầu Việt Nam.

Tiêu chí chấm điểm của cuộc thi là những sáng kiến ứng dụng xuất sắc nhất, kết hợp hài hoà 3 yếu tố phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và xây dựng bền vững.

Holcim Prize không chỉ khích lệ ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thông qua một phần hỗ trợ triển khai ứng dụng cho đề tài khả thi nhất.

Các đề tài đoạt giải đặc biệt của cuộc thi Holcim Prize những năm trước đều đã và đang được triển khai thực tế, bao gồm dự án “Thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật” (năm 2009), Dự án “Nhà vệ sinh nổi” (năm 2010), Dự án “Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” (năm 2011) và Dự án “Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn” (năm 2012).

Trung Kiên
Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục