Thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng vốn và chứng khoán

(ĐTCK) Đối với cá nhân cư trú, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH không thay đổi kể từ khi Thông tư 111/2013/TT-BTC được ban hành năm 2013 đến nay. Cụ thể, thuế TNCN phải nộp được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất 20%. Trong đó, thu nhập tính thuế là giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng vốn và chứng khoán

Quy định về cách tính thuế và thuế suất

Trường hợp chuyển nhượng chứng khoán (CK), cách tính thuế và thuế suất có sự thay đổi. Từ 1/10/2013 đến 30/6/2015, thuế TNCN phải nộp được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất 20%.

Thu nhập tính thuế được tính bằng giá bán CK trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.

Cá nhân chuyển nhượng CK phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng CK từng lần. Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.

Từ 1/7/2015 đến nay, Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi quy định về cách tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng CK của cá nhân cư trú.

Theo đó, cá nhân chuyển nhượng CK nộp thuế TNCN theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng CK từng lần.

Như vậy, trước 1/7/2015, các giao dịch chuyển nhượng CK trong năm của nhà đầu tư đều tạm khấu trừ thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng, sau đó cuối năm nhà đầu tư quyết toán lại toàn bộ hoạt động đầu tư trên TTCK, nếu không có thu nhập thì không phải nộp thuế và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ.

Nếu nhà đầu tư không đăng ký phương pháp nộp thuế 20% trên thu nhập, thì khoản thuế bị khấu trừ, tạm nộp 0,1% không được hoàn do không quyết toán lại.

Từ 1/7/2015 chỉ còn một cách tính thuế duy nhất đối với hoạt động chuyển nhượng CK là nhà đầu tư phải nộp 0,1% trên giá chuyển nhượng CK từng lần và cuối năm không quyết toán lại (dù nhà đầu tư bị lỗ).

Đối với cá nhân không cư trú, thuế TNCN trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn và CK đều là 0,1% trên toàn bộ giá chuyển nhượng.

Đề xuất của Bộ Tài chính về thuế chuyển nhượng vốn và chứng khoán chưa lên sàn

Bộ Tài chính cho biết, các nhà đầu tư thường kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế, dẫn đến lợi nhuận thấp để nộp thuế ít đi, thậm chí kê khai chuyển nhượng lỗ để không phát sinh số thuế phải nộp.

Việc này dẫn đến tình trạng Nhà nước bị thất thu thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn và CK chưa niêm yết/đăng ký giao dịch, vì rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan do nhà đầu tư tự kê khai.

Tháng 8/2017, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về cách tính thuế và thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú và không cư trú.

Theo đó, nghĩa vụ thuế TNCN đối với chuyển nhượng vốn được đề nghị là 1% trên toàn bộ giá chuyển nhượng.

Với đề xuất này, Bộ Tài chính muốn đảm bảo Nhà nước sẽ thu được thuế từ các giao dịch chuyển nhượng vốn, từ đó hạn chế thất thu ngân sách. Tuy nhiên, đề xuất tạo ra sự không bình đẳng thuế suất giữa chuyển nhượng vốn (thuế suất 1%) và chuyển nhượng CK (thuế suất 0,1%).

Năm 2018, Bộ Tài chính có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế TNCN, trong đó đề xuất áp dụng cùng một mức thuế suất cho cả thu nhập từ chuyển nhượng vốn và từ chuyển nhượng CK chưa niêm yết/đăng ký giao dịch là 2% trên giá chuyển nhượng.

Như vậy, mức thuế suất 0,1% chỉ còn áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng CK đã niêm yết/đăng ký giao dịch.

Dự luật mới của Bộ Tài chính giải quyết được vấn đề bất bình đẳng thuế suất giữa chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng CK chưa niêm yết/đăng ký giao dịch so với đề xuất năm 2017, nhưng có nhiều ý kiến không đồng tình từ phía các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư do mức thuế suất cao hơn hẳn (từ 1% lên 2%) so với các đề xuất trước đó.

Góc nhìn từ Grant Thornton Việt Nam

Chúng tôi luôn theo dõi và thấu hiểu các chính sách thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn và CK qua các thời kỳ.

Chính phủ luôn có những chính sách phù hợp để tạo ra sự “bình đẳng và thuận lợi” cho người nộp thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Các phương pháp tính thuế đều được xem xét và áp dụng cho các thời kỳ: thuế khoán trên giá trị giao dịch và thuế trên phần lợi nhuận của nhà đầu tư.

Một vấn đề nên được xem xét là liệu có sự khác biệt giữa vốn góp trong công ty TNHH và vốn trong công ty cổ phần hay không?

Sự khác biệt đó như thế nào để tạo ra cách tính thuế TNCN khác nhau trên cùng một hoạt động chuyển nhượng. Vốn trong công ty cổ phần có khác biệt với vốn trong công ty TNHH, công ty cổ phần đã có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán?

Có phải là vốn của nhà đầu tư cổ phiếu trên sàn giao dịch được ưu đãi về cách tính thuế (0,1% trên giá trị giao dịch)?

Chúng tôi sẽ tiếp tục có bài viết về chính sách thuế chuyển nhượng vốn và cổ phiếu trong các số báo tới.

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân là khoản thu nhập cá nhân đó nhận được từ:

+ Chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh.

+ Chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ…

Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục