Thuế tài nguyên tăng mạnh kể từ 1/7/2016

Kể từ ngày 1/7/2016 (thay vì từ 1/1/2016 như đề xuất của Bộ Tài chính), thuế suất thuế tài nguyên của hàng loạt tài nguyên, khoáng sản sẽ tăng lên theo Nghị quyết về mức thuế suất thuế tài nguyên vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Thuế tài nguyên tăng mạnh kể từ 1/7/2016

Hiện tại, thuế tài nguyên đối với sắt; mangan; titan; vàng; đất hiểm; và bạch kim, bạc, thiếc tương ứng là 12%; 11%; 16%; 15%; 15%; 10% sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 14%; 14%; 18%; 17%; 18% và 12% vào ngày 1/7/2016.

Wolfram, antimoan, chì, kẽm, bauxite, nhôm, đồng, niken, coban, molipden, thuỷ ngân, magie, vanadi và các loại khoáng sản kim loại khác sẽ phải chịu mức thuế suất tương ứng là 20; 15; 12; 15; 13; 10; 15; và 15% kể từ 1/7/2016 thay cho mức thuế suất 18; 10; 12; 13; 10; 10 và 10% hiện nay.

Các loại khoáng sản phi kim loại khác cũng đều bị điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên kể từ 1/7/2016 như đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình từ 4% lên 7%; đá, sỏi, đá nung vôi và sản xuất xi măng từ 7% lên 10%; cát từ 11% lên 15%; cát làm thuỷ tinh từ 13% lên 15%; granite từ 10% lên 15%; than hầm lò từ 7% lên 10%; than lộ thiên từ 9% lên 12%; kim cương, rubi, sapphire từ 22% lên 27%...

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế tài nguyên như trên, sắc thuế này sẽ làm tăng thu cho ngân sách khoảng 3.178 tỷ đồng so với năm 2014.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu từ thuế tài nguyên đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2011 là 39.299 tỷ đồng; năm 2012 là 41.312 tỷ đồng; năm 2013 là 37.875 tỷ đồng và năm 2014 là 38.048 tỷ đồng.

Trên dưới 80% trong số này là thu từ hoạt động khai thác dầu khí; các loại khoáng sản khác chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 6.389 tỷ đồng (năm 2011); 7.186 tỷ đồng (năm 2012); 8.092 tỷ đồng (năm 2013) và năm 2014 là 10.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh nên số thu từ thuế tài nguyên đánh vào dầu khí giảm mạnh: năm 2013 giảm 3.437 tỷ đồng so với năm 2012; năm 2014 giảm 2.544 tỷ đồng so với số thu năm 2013. Đây là một trong những lý do để Bộ Tài chính thuyết phục Quốc hội chấp thuận tăng thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản.

Một lý do nữa, theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đã và đang thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do và vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một trong những yêu cầu khi thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế là phải tiến tới xóa bỏ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vì vậy cần phải nâng thuế tài nguyên để bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo cam kết quốc tế. Đơn cử như Trung Quốc đã thay đổi cách tính thuế tài nguyên để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Hay như Indonesia đã tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ tháng 1/2015 khi phải cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế”, ông Dũng minh chứng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế tài nguyên như trên, sắc thuế này sẽ làm tăng thu cho ngân sách khoảng 3.178 tỷ đồng so với năm 2014. 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình với việc nâng thuế tài nguyên với khoáng sản kim loại, nhưng khá băn khoăn trước việc tăng thuế tài nguyên với khoáng sản phi kim loại.    

"Mức thuế suất sau khi tăng phải hợp lý để hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi hầu hết các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống 0% khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý. 

Dẫn chứng hoạt động khai thác cát trái phép trên các dòng sông diễn ra khắp nơi và được các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật, ông Phúc cho rằng, nếu tăng thuế tài nguyên vô hình trung khuyến khích khai thác cát lậu vì mặt hàng này có giá trị hơn.

“Tăng thuế tài nguyên với đất, đá, cát, sỏi không giúp ngân sách tăng thu nhiều, nhưng hoạt động khai thác cát trái phép sẽ gia tăng, làm thay đổi dòng chảy của các dòng sông, làm sói mòn đất đai, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sau đó ngân sách nhà nước lại phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần số tiền thu được từ việc tăng thuế tài nguyên đối với đất, đá, cát, sỏi để đắp đê, kè bờ sông nhằm chống sói mòn, sạt lở”, ông Phúc băn khoăn.

Ông Phúc cũng khá băn khoăn trước việc nâng thuế tài nguyên phi kim loại khác là đầu vào của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

“Chúng ta phải cắt giảm trên 95% số dòng thuế nhập khẩu để thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nếu tăng thuế tài nguyên đối với đầu vào của ngành sản xuất vật liệu xây dựng thì hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước như xi măng, gạch granite… có cạnh tranh được với hàng nhập khẩu không?”, ông Phúc đặt câu hỏi.

“Muốn giảm hút thuốc lá người ta tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng này, nhưng nếu như không ngăn chặn được hành vi buôn lậu thuốc lá thì việc tăng thuế không có tác dụng, thậm chí là phản tác dụng vì số người hút thuốc vẫn tăng trong khi ngân sách nhà nước lại thất thu”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai đưa ra quan điểm đồng tình với ông Hiển, nhưng cho rằng, cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt, một mặt phải tăng thuế, mặt khác phải đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đối với thuế tài nguyên đánh vào khoáng sản là đầu vào của ngành xây dựng, một mặt vẫn tăng thuế, mặt khác phải đẩy mạnh đấu tranh đối với hành vi khai thác đất, đá, cát, sỏi trái phép.

“Không thể cho rằng do không quản lý được việc khai thác đất, đá, cát, sỏi trái phép mà không tăng thuế tài nguyên với những loại khoáng sản này. Nhưng mức thuế suất sau khi tăng phải hợp lý để hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi hầu hết các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống 0% khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục