Thuế: làm sai thì dễ, làm đúng quá khó!

(ĐTCK) “Chúng tôi sốc khi chủ một DN FDI than phiền rằng, chấp hành nghĩa vụ thuế ở Việt Nam làm sai thì dễ, làm đúng quá khó”, bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A nói.
Thuế: làm sai thì dễ, làm đúng quá khó!

DN và cán bộ thuế hiểu “vênh”

Tại buổi tọa đàm tìm hướng tháo gỡ những bất cập của chính sách thuế đối với DN do Câu lạc bộ Pháp chế DN, Bộ Tư pháp vừa tổ chức, các DN kêu rất nhiều về tình trạng cùng một quy định, nhưng DN và cán bộ thuế hiểu “vênh” nhau.

Bà Phạm Bích Hồng, Kế toán trưởng Tổng công ty May 10-CTCP dẫn chứng, theo quy định về thuế giá trị gia tăng, các DN dệt may hiểu rằng, khi mua một số mặt hàng làm quà biếu, quà tặng, hoặc xuất mẫu hàng hóa phục vụ quảng cáo và không thu tiền, DN được tính vào chi phí, nên được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Thế nhưng, cơ quan thuế chỉ chấp nhận cho DN được ghi nhận chi phí, mà không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Hai bên tranh cãi và DN thường chịu phần thua thiệt.

Thuế: làm sai thì dễ, làm đúng quá khó! ảnh 1

Có tình trạng cùng một quy định, nhưng DN và cán bộ thuế hiểu “vênh” nhau

Theo phản ánh của nhiều DN, nhiều quy định thuế hiện hành không rõ ràng, khiến DN và cơ quan thuế có cách hiểu trái ngược nhau. Điều này khiến DN đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là khi Luật Quản lý thuế sửa đổi tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về thuế lên khá cao. Theo đó, nếu chậm nộp tiền thuế, DN có thể bị phạt 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá 90 ngày, trong khi mức trước đây là 0,05%. Đối với hành vi kê khai thiếu tiền thuế, DN có thể bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, trong khi trước đây là 10%.

“DN rất muốn tuân thủ nghiêm túc quy định về thuế, nhưng trong quá trình thực hiện, không ít quy định DN hiểu chưa đúng, nên dẫn tới hành xử không thống nhất với cách hiểu của cơ quan thuế. Theo quy định hiện hành, có thể 3 - 4 năm sau, cơ quan thuế mới vào kiểm tra DN. Khi đó, nếu phát hiện sai phạm thì DN bị phạt và bị truy thu thuế rất lớn. Các DN mong cơ quan thuế định kỳ vào kiểm tra hàng năm, để kịp thời chỉ ra các sai sót”, bà Hồng nói.

Quy định không rõ ràng, dẫn đến hiểu thế nào cũng được, theo bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A, đang là một trong những mối quan ngại lớn nhất của DN. Trong cuộc tiếp xúc gần đây với chủ một DN FDI người Singapore, bà An cảm thấy sốc khi họ than phiền: dù cố gắng hết mức nhưng DN không biết làm thế nào cho đúng thủ tục như yêu cầu của cán bộ thuế; khi chấp hành thủ tục thuế, DN có cảm giác làm sai thì dễ, làm đúng quá khó.

 

Ưu đãi hay ngược đãi?

Theo các DN, khá nhiều quy định về ưu đãi thuế hiện hành ít có tính khả thi. Nói cách khác, các điều kiện mà quy định pháp luật đặt ra DN rất khó đáp ứng để được hưởng ưu đãi thuế. Thậm chí, với không ít trường hợp, người nộp thuế tưởng chừng như được hưởng ưu đãi thì phải đối mặt với… ngược đãi.

Bà An dẫn chứng, theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của DN từ thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo… được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10%. Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất này, các trường đại học dân lập phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện gần như không tưởng là diện tích tối thiểu phải đạt 55 m2/sinh viên quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Đáng nói là tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên Thông tư số 12/BXD-KHCN ngày 24/4/1995 của Bộ Xây dựng, trong khi năm 1999, Thông tư 12 được sửa đổi và bỏ tiêu chuẩn 55 m2, nhưng không hiểu sao Quyết định 1466 lại dẫn chiếu làm cơ sở. Hệ quả, Trường Đại học dân lập Thăng Long đáp ứng được tất cả các điều kiện để hưởng thuế suất 10%, ngoại trừ điều kiện diện tích tối thiểu phải đạt 55 m2/sinh viên. Vì bất cập này nên Trường chưa được hưởng ưu đãi thuế, trong khi bị truy thu thuế hơn 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thừa nhận, có những quy định về thuế hiện còn bất cập. Tuy nhiên, một lý do quan trọng khác khiến DN bức xúc là cán bộ quản lý, thu thuế có những cách hiểu, vận dụng pháp luật “lạ” đến mức những người làm chính sách cũng bất ngờ. Ngoài khắc phục những tồn tại này, bản thân các DN cũng cần nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế để đẩy lùi những tiêu cực, bất cập hiện tại.

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục