Thuế chứng khoán: Cần thoáng cho vốn chảy thông hơn

(ĐTCK) Hiện nhà đầu tư nội đang phải chịu 2 lần phí, 2 lần thuế khi đầu tư vào ETF nội. 

Để thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển năm 2018, Công ty Quản lý quỹ SSIAM cho rằng cần giảm thuế, giảm phí cho loại hình quỹ ETF. Hiện nhà đầu tư nội đang phải chịu 2 lần phí, 2 lần thuế khi đầu tư công cụ này. 

Một số tổ chức tài chính trung gian như MBS, Maybank KimEng cũng đưa ra những điểm bất cập rất thực tiễn trong cách tính thuế nhà đầu tư chứng khoán, với mong muốn Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ sửa đổi tổng thể khi sửa Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan vào năm 2018 tới.

Đầu tư ETF nội: Nhà đầu tư phải chịu 2 lần phí, thuế

Thành lập với quy mô vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, phát triển sản phẩm ETF trên chỉ số tham chiếu HNX30 nhưng không hiệu quả, tháng 8/2017, Công ty Quản lý quỹ SSIAM đã chuyển đổi quỹ ETF từ chỉ số tham chiếu HNX 30 sang chỉ số tham chiếu là VN50 và đưa quỹ vào niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Tháng 10/2017, sàn HOSE đón thêm sản phẩm mới là ETF SSIAM VNX50 với giá khởi điểm 10.650 đồng/chứng chỉ quỹ. Giá sản phẩm này sau khi lên sàn HOSE đã tăng nhẹ với thanh khoản khoảng 13.000 chứng chỉ quỹ/phiên.

Giá trị tài sản ròng của Quỹ tăng khá tốt, trong khi công tác bán sản phẩm cũng được tổ chức hiệu quả, nhưng mức độ nhà đầu tư tham gia vào quỹ ETF nội này còn thấp. Hiện tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ mới chỉ chưa đầy 130 tỷ đồng.

Góp ý với cơ quan quản lý trong mục tiêu giúp TTCK phát triển mạnh hơn từ năm 2018, SSIAM cho biết, hiện tại nhà đầu tư phải trả phí chuyển quyền sở hữu tại VSD 2 lần, một lần khi nhà đầu tư hoán đổi rổ chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ ETF sơ cấp và một lần khi thực hiện hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF lấy rổ chứng khoán cơ cấu, phí mỗi lần là 0,05% giá trị hoán đổi.

Tương tự như vậy, nhà đầu tư cá nhân cũng phải chịu 2 lần thuế khi thực hiện hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy lô chứng chỉ quỹ ETF và hoán đổi lô chứng chỉ quỹ ETF lấy danh mục chứng khoán cơ cấu đều bị đánh thuế với mức thuế 0,1% tổng giá trị của chứng khoán cơ cấu hoặc 0,1% giá trị chứng chỉ quỹ.

SSIAM kiến nghị các mức phí chuyển quyền sở hữu và thuế (với nhà đầu tư cá nhân) chỉ nên áp dụng 1 lần khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ ETF.

Phát triển sản phẩm quỹ ETF nội là câu chuyện rất được quan tâm tại TTCK Việt Nam 5 năm trước đây, khi 2 quỹ ETF ngoại đầu tư hàng trăm triệu USD vào chứng khoán Việt và liên tục trở thành chủ thể có ảnh hưởng lớn đến xu hướng giao dịch trên thị trường.

Hiện hai quỹ ETF ngoại (FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF) có quy mô vốn hóa đầu tư trên 600 triệu USD, trong khi tại Việt Nam, quỹ ETF nội cũng mới phát triển được 2 quỹ, quy mô tổng cộng khoảng 120 triệu USD (Quỹ VNMVN30 có quy mô vốn hóa đến 24/12/2017 là 2.500 tỷ đồng).

Cùng với việc cắt bớt đi 1 lần phí, 1 lần thuế cho những nhà đầu tư giao dịch ETF, SSIAM cho rằng, nên có nhiều cơ chế ưu đãi hơn cho nhà tạo lập thị trường, ví dụ miễn phí toàn bộ các giao dịch tạo lập thị trường cho quỹ ETF, để khuyến khích sự tham gia của nhiều nhà tạo lập thị trường, tạo điều kiện cho các quỹ ETF phát triển.

Cùng với đó, Thông tư 229 được ban hành từ năm 2012 đến nay đã bộc lộ nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho sự phát triển của các quỹ ETF, UBCK nên xem xét lấy ý kiến các thành viên thị trường để sửa đổi văn bản pháp lý này.

Đầu tư chứng khoán phái sinh: Thuế thu chưa đúng bản chất

Cũng trong mục tiêu thúc đẩy nhà quản lý gỡ vướng chính sách cho TTCK thông thoáng hơn từ năm 2018, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, hiện chính sách thuế với đầu tư chứng khoán phái sinh thu không đúng bản chất dòng thu nhập.

Cụ thể, cách tính thuế hiện nay áp dụng được tính trên giá của hợp đồng tương lai, trong khi đây không phải là thu nhập phát sinh từ giao dịch chứng khoán phái sinh.

MBS cho rằng, Bộ Tài chính cần sửa lại chính sách thuế cho phù hợp, mà cụ thể là tính thuế trên giá trị lãi của lệnh đóng vị thế.

Trong cuộc tổng kết năm 2017 vừa qua, đánh giá về TTCK phái sinh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, đây là một trong những kết quả quan trọng Sở đạt được trong năm 2017.

 Nhà đầu tư đang phải chịu 2 lần thuế khi đầu tư vào ETF nội.

TTCK phái sinh mới ra đời nhưng hoạt động trơn tru với số lượng nhà đầu tư tham gia lớn. Tính đến hết ngày 15/12/2017, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường này đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng.

Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng xấp xỉ 21 và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên. Thị trường có 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở, tính tới hết ngày 15/12 tại 7 công ty chứng khoán tiên phong phát triển thị trường này.

Tuy nhiên, HNX đánh giá, điểm yếu nhất của TTCK phái sinh là hoạt động giao dịch đang tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, sự tham của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế do một số quy định chưa được hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước khiến cho việc triển khai của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quy trình nghiệp vụ giữa thành viên bù trừ với Ngân hàng giám sát, lưu ký chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể.

Định hướng cho TTCK phái sinh năm 2018, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết, UBCK đã làm việc với các đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đã giao 5 nhiệm vụ cho HNX để thực thi trong năm 2018, trong đó về TTCK phái sinh, HNX sẽ phải chuẩn bị điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm phái sinh trái phiếu vào hoạt động, phát triển các sản phẩm phái sinh mới.

Những thông điệp trên cho thấy, câu chuyện về thuế thu nhập trên TTCK phái sinh dường như vẫn chưa trở thành chủ điểm chính sách phải thay đổi trong năm 2018. Để hỗ trợ thị trường mới ra đời, hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán còn đang ưu đãi, thậm chí miễn phí giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư, nên câu chuyện về chi phí, thuế trên thị trường mới chưa được nhiều nhà đầu tư sát sao, chú ý.

Sang năm 2018, khi các công ty chứng khoán thu phí giao dịch, chứng khoán phái sinh sẽ không dễ kiếm lời. Chính sách thuế thu nhập vì thế cần phải điều chỉnh theo hướng thu đúng bản chất lợi nhuận thu được, nhằm giữ chân các dòng vốn đang và sẽ chảy vào thị trường này.

Bán cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền: Phải chịu thuế cao gấp 3

Cũng góp ý cho nhà quản lý liên quan đến chủ điểm gỡ vướng chính sách thuế, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng đưa ra một ví dụ sinh động để nói về bất cập trong thu thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức bằng tiền.

Cụ thể, hiện nhà đầu tư cá nhân bị tính thuế đầu tư vốn 5% trên giá trị cổ tức bằng tiền mặt. Ví dụ cổ phiếu A có giá 20.000 đồng và ngày 8/1/2017 là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% từ DN. Tiền cổ tức thực nhận (sau khi trừ thuế đầu tư vốn 5%) trên mỗi cổ phần là 950 đồng/cổ phần. Giả sử phí giao dịch đang áp dụng là 0,3%.

Nếu nhà đầu tư bán ngày 7/1/2017, giá cổ phiếu là 20.000 đồng, trừ phí giao dịch 0,3% (60 đồng), thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 0,1%, số tiền nhà đầu tư nhận về là 19.920 đồng. Như vậy, tổng số thuế phải trả là 20 đồng.

Trường hợp bán cổ phiếu đúng ngày không hưởng quyền (ngày 8/1/2017), giá bán sẽ bị điều chỉnh giảm theo giá trị cổ tức được nhận, chỉ còn 19.000 đồng. Phí giao dịch vẫn là 0,3% (57 đồng), thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán 0,1% (19 đồng).

Sau đó, nhà đầu tư được nhận cổ tức 1.000 đồng, khoản thu nhập này chịu thuế đầu tư vốn 5% (50 đồng). Như vậy tổng số tiền được nhận sau khi trừ phí và 2 loại thuế là 19.874 đồng. Tổng 2 loại thuế nhà đầu tư phải trả là 69 đồng, cao gấp hơn 3 lần số thuế phải nộp nếu bán trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

Bất cập này, Maybank KimEng cho rằng, cần nhà quản lý xử lý sớm bằng cách xem xét lại cách tính thuế để có sự công bằng hơn với nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Vi Hồng Lĩnh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục