Thực tiễn và thông lệ tốt về báo cáo thường niên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết là sự kiện thường niên do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Dragon Capital và Báo Đầu tư cùng tổ chức nhằm tôn vinh việc thực hiện các thông lệ tốt về quản trị và điều hành công ty được thể hiện qua các thông tin của doanh nghiệp được công bố nội bộ và qua các kênh thông tin của các cơ quan quản lý thị trường.
BCTN giới thiệu đến nhà đầu tư và công chúng bức tranh sinh động và toàn cảnh về doanh nghiệp BCTN giới thiệu đến nhà đầu tư và công chúng bức tranh sinh động và toàn cảnh về doanh nghiệp

Trong đó, giải thưởng về báo cáo thường niên là giải thưởng lâu năm nhất nhằm ghi nhận những doanh nghiệp đã cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chi tiết, cụ thể và đa chiều đến người đọc.

Báo cáo thường niên, bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp trong năm

Báo cáo thường niên giới thiệu đến nhà đầu tư và công chúng bức tranh sinh động và toàn cảnh về doanh nghiệp trong năm vừa qua, trong mối liên hệ với lịch sử doanh nghiệp và định hướng tương lai. Theo thứ tự trình bày, phần thông tin chung sẽ giúp người đọc hiểu về ngành nghề, bối cảnh, mô hình quản trị và cơ cấu quản lý; định hướng và chiều sâu mà doanh nghiệp vun đắp; chiều rộng hoạt động mà doanh nghiệp hướng tới, với các thông tin tổng quan về hệ sinh thái kinh doanh, các mục tiêu chiến lược ngắn, trung và dài hạn, đặc biệt là nhận diện rủi ro và hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Đây là nền tảng ban đầu giúp người đọc có cơ sở để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp.

Phần báo cáo về tình hình hoạt động sẽ mô tả kết quả cụ thể mà doanh nghiệp đạt được trên từng lĩnh vực hoạt động, các khoản đầu tư và các dự án lớn so với mục tiêu đề ra và đối sánh với kết quả của những năm trước đó. Bên cạnh đó, danh sách ban điều hành, các chỉ tiêu tình hình tài chính và chỉ tiêu tài chính chủ yếu đối sánh với các năm liền kề, thông tin về cổ phần, cơ cấu cổ đông và vốn chủ sở hữu cũng được trình bày tại phần này. Đánh giá và phân tích về tình hình hoạt động sẽ được tiếp tục trình bày trong phần báo cáo của Ban giám đốc và Hội đồng quản trị. Việc hiểu được các góc nhìn từ Hội đồng quản trị, Ban giám đốc về tình hình hoạt động của công ty sẽ giúp người đọc nắm được tình hình quản trị và điều hành công ty, những thông tin bổ sung thêm phần trình bày về mô hình quản trị và cơ cấu quản lý được trình bày ở trên.

Phần báo cáo của Ban giám đốc sẽ cung cấp thông tin sâu hơn về tình hình hoạt động của đơn vị. Ban giám đốc sẽ đánh giá vị thế của doanh nghiệp so với ngành, những tiến bộ và cải tiến mà doanh nghiệp đạt được và/hoặc chủ động thực hiện trên phương diện quản lý điều hành trong năm. Đặc biệt, thông tin về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp: hiệu quả sử dụng tài sản, nợ phải trả/phải thu, nợ xấu, tài sản xấu, nợ hiện tại, biến động lớn về nợ, ảnh hưởng tỷ giá hối đoái, lãi vay… được mô tả, trình bày và giải thích. Trong xu thế hướng đến phát triển bền vững, Ban giám đốc cũng cần trình bày về môi trường, xã hội, quản trị. Trong trường hợp báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, lưu ý, nhấn mạnh thì cần có ý kiến giải trình của Ban giám đốc.

Hội đồng Bình chọn làm việc công tâm, nghiêm túc tìm ra các báo cáo thường niên xứng đáng nhất đạt giải

Hội đồng Bình chọn làm việc công tâm, nghiêm túc tìm ra các báo cáo thường niên xứng đáng nhất đạt giải

Phần báo cáo của Hội đồng quản trị cho thấy đánh giá của Hội đồng quản trị với hoạt động của công ty, đánh giá hoạt động của Ban giám đốc và kế hoạch, định hướng tương lại của Hội đồng quản trị.

Sự tách biệt vai trò giữa quản trị và điều hành, đồng thời sự đánh giá khách quan của Hội đồng quản trị với hoạt động của Ban điều hành cũng là thông tin quan trọng để người đọc hiểu được cơ chế hoạt động đằng sau của doanh nghiệp: Hội đồng quản trị, các tiểu ban của Hội đồng quản trị, đặc biệt ban kiểm soát và/hoặc ủy ban kiểm toán và thành viên Hội đồng quản trị độc lập sẽ được đánh giá như thế nào? Thông tin liên quan về tiểu sử, chuyên môn, tỷ lệ sở hữu, các cuộc họp và kết quả sẽ được trình bày ra sao? Thù lao cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao gồm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc và giao dịch nội bộ đã diễn ra trong năm ra sao? Đánh giá về tình hình quản trị công ty tại doanh nghiệp so với các khung tham chiếu trong nước và quốc tế cũng như kế hoạch cải thiện tình hình quản trị công ty được thể hiện trong phần báo cáo về quản trị công ty. Các thông tin về báo cáo tài chính hợp nhất có ý kiến kiểm toán nội bộ được trình bày trong phụ lục của báo cáo thường niên.

Phân loại báo cáo thường niên theo đặc thù nhóm ngành

Thông tin trong các phần trên càng được trình bày cụ thể, rõ ràng, tường minh và có sự nhất quán, logic trong bố cục trình bày, trong cấp bậc được phân công trình bày càng cho thấy cơ chế quản trị và quản lý minh bạch, nhịp nhàng và hiệu quả của đơn vị. Trong việc đánh giá báo cáo thường niên 2022, Ban tổ chức đã phân loại các báo cáo thường niên theo nhóm ngành tài chính và phi tài chính, bởi có sự khác biệt về yêu cầu báo cáo phát triển bền vững của nhóm này.

Sự đổi mới trong cách phân loại này cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký tham gia đánh giá báo cáo thường niên đem đến nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp được thể hiện và cải thiện thông tin trong báo cáo thường niên nói riêng và công bố thông tin nói chung.

Tổng số báo cáo thường niên được đánh giá năm nay là 116 báo cáo, trong đó 24 báo cáo đến từ khối tài chính và 92 báo cáo đến từ khối phi tài chính. Các báo cáo đăng ký tham gia đánh giá của khối tài chính đa số thuộc nhóm vốn hóa lớn (14 công ty) và vốn hóa vừa (9 công ty) và khác (1 công ty) phản ánh đặc thù của nhóm này. Trong khi đó, các báo cáo đăng ký tham gia thuộc khối phi tài chính thuộc nhóm vốn hóa lớn (19 công ty), vốn hóa vừa (40 công ty), vốn hóa nhỏ (26 công ty) và khác (7 công ty). Vì vậy, nhìn chung, kết quả đánh giá báo cáo thường niên sau khi điều chỉnh của khối ngành tài chính (trung bình 72,65 điểm) vẫn nhỉnh hơn báo cáo thường niên của khối phi tài chính (trung bình 68,01 điểm).

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh việc thực hiện các thông lệ tốt về quản trị và điều hành công ty, được thể hiện qua các thông tin của doanh nghiệp được công bố. Trong ảnh: Một buổi làm việc của Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh việc thực hiện các thông lệ tốt về quản trị và điều hành công ty, được thể hiện qua các thông tin của doanh nghiệp được công bố. Trong ảnh: Một buổi làm việc của Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023

Trên phương diện các nhóm tiêu chí cụ thể, các doanh nghiệp nhóm ngành tài chính có sự đầu tư về mặt hình thức tốt hơn các doanh nghiệp phi tài chính (cao hơn 1,67 điểm bình quân). Báo cáo của Ban giám đốc trong các doanh nghiệp tài chính và quản trị công ty cũng được đầu tư nhiều hơn (cao hơn lần lượt là 1,74 điểm và 0,7 điểm bình quân) so với các doanh nghiệp phi tài chính.

Các nội dung về thông tin chung và đánh giá của Hội đồng quản trị về hoạt động của công ty giữa hai khối ngành có sự tương đồng cao nhất. Sự khác biệt lớn nhất đến từ tình hình hoạt động trong năm liên quan đến các tiêu chí phát triển bền vững và phân tích về các chỉ tiêu tình hình tài chính và chỉ tiêu tài chính chủ yếu trong năm.

Thực tiễn và thông lệ tốt của báo cáo thường niên khối tài chính

Các báo cáo thường niên vượt trội của các doanh nghiệp khối ngành tài chính có sự đầu tư trong việc thể hiện bức tranh hoạt động trong năm của mình một cách sinh động, thu hút và nhất quán đến người đọc. Sự đầu tư này thể hiện trên phương diện hình thức, ngôn ngữ và thông điệp trình bày, hệ thống sơ đồ, bảng biểu và hình ảnh để người có chuyên môn sâu lẫn người đọc bình thường đều có thể hiểu và có các cơ sở để phân tích, đánh giá và nhận xét của riêng mình.

Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp trong khối này với mục tiêu tiếp cận các nguồn vốn và tài chính quốc tế, đã công bố thông tin hệ thống và tường minh về mô hình quản trị, cơ cấu quản lý, hệ sinh thái kinh doanh; các mục tiêu, chiến lược và quản trị rủi ro trong ngắn, trung và dài hạn. Các thông tin quan trọng về kết quả hoạt động, các khoản đầu tư, dự án lớn được trình bày, phân tích và trên cơ sở so sánh với mục tiêu đề ra và kết quả của các năm liền kề. Đặc biệt, các thông tin về chỉ tiêu tình hình tài chính và tình hình tài chính chủ yếu theo Thông tư 96/2020/TT-BTC được phân tích cụ thể.

Ngoài ra, mặc dù Thông tư 96/2020/TT-BTC không yêu cầu nhưng nhiều doanh nghiệp chủ động áp dụng chuẩn mực GRI trong lập báo cáo phát triển bền vững. Các khung tham chiếu để đánh giá quản trị công ty theo thông lệ tốt như thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, nguyên tắc quản trị công ty G20 OECD và bộ nguyên tắc quản trị công ty của IFC được sử dụng làm cơ sở để đánh giá hoạt động quản trị công ty của doanh nghiệp và được thể hiện rất cụ thể trong báo cáo thường niên.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần cải thiện trong báo cáo thường niên của các doanh nghiệp trong khối ngành tài chính. Đầu tiên, các rủi ro tài chính và tín dụng đặc thù trong lĩnh vực này chưa được thể hiện sâu. Với bối cảnh thị trường hiện nay, yêu cầu về quản trị trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ngân hàng ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn, các doanh nghiệp nên chủ động bổ sung cung cấp các thông tin này ra công chúng. Các lợi ích và giá trị đến từ niềm tin của khách hàng, các nhà đầu tư và công chúng sẽ vượt lên những quan ngại về cạnh tranh và bảo mật thông tin.

Tiếp theo, việc công bố thông tin thù lao chi tiết theo từng khoản cho từng thành viên của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát/Ủy ban kiểm toán và Ban điều hành vẫn chưa được triển khai tốt trong khối tài chính. Hầu hết thông tin trình bày ở mức chung và điều này chưa hướng đến thông lệ tốt về quản trị công ty.

Tương tự, việc đánh giá các thành viên Hội đồng quản trị độc lập chưa được triển khai đồng bộ và công bố rõ ràng trong báo cáo thường niên. Việc tham gia của các thành viên Hội đồng quản trị và việc có chứng nhận đào tạo quản trị công ty chuyên nghiệp của các thành viên cũng cần được trình bày rõ ràng hơn.

Cuối cùng, vẫn có sự khác biệt trong quan niệm của các doanh nghiệp tài chính về công bố thông tin phát triển bền vững. Nếu dừng ở mức tuân thủ thì đây chưa phải là yêu cầu bắt buộc. Dù vậy, các doanh nghiệp cần vượt lên sự tuân thủ và hướng đến thông lệ tốt trên thế giới như áp dụng GRI và các tiêu chuẩn tiên tiến để công bố các thông tin này.

Thực tiễn và thông lệ tốt của báo cáo thường niên khối phi tài chính

Đối với các doanh nghiệp phi tài chính, các doanh nghiệp có báo cáo thường niên xuất sắc thường đồng thời xây dựng các báo cáo phát triển bền vững riêng. Mục tiêu chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cùng với việc nhận diện các rủi ro trọng yếu bao gồm rủi ro về môi trường và chính sách quản trị rủi ro được phân tích, trình bày và minh họa cụ thể. Tình hình hoạt động trong năm bao gồm hoạt động sản xuất - kinh doanh, tình hình đầu tư và thực hiện các dự án lớn, thông tin về hiệu quả sử dụng tài sản, các khoản nợ, các yếu tố ảnh hưởng từ tỷ giá và lãi vay được Ban giám đốc và Hội đồng quản trị đánh giá chi tiết cùng với lý giải cho các thay đổi so với các năm liền kề cụ thể, khoa học.

Thông tin về cổ phần, cơ cấu cổ đông, thay đổi vốn chủ sở hữu và cổ phiếu cũng như thù lao của lãnh đạo cấp cao và giao dịch bên liên quan được thể hiện chi tiết. Các thông tin về cơ cấu, hoạt động của Hội đồng quản trị, các tiểu ban của Hội đồng quản trị được thể hiện rõ ràng. Các khung đánh giá quản trị công ty cho doanh nghiệp tiên tiến như thẻ điểm quản trị công ty ASEAN được áp dụng với phần trình bày sinh động, dễ hiểu và cụ thể.

Ở chiều ngược lại, thông tin về người chịu trách nhiệm triển khai các chính sách về phát triển bền vững, đào tạo quản trị công ty cho các thành viên Hội đồng quản trị và các vị trí liên quan cũng như đánh giá về hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị độc lập còn bỏ ngỏ trong đa số báo cáo của các doanh nghiệp phi tài chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong khối phi tài chính còn chưa cụ thể hóa các nội dung liên quan đến phát triển bền vững như đánh giá tác động môi trường, lượng tiêu thụ năng lượng, sáng kiến tiết kiệm năng lượng. Phân tích chỉ tiêu tài chính chủ yếu và tình hình tài chính qua các năm chưa được thể hiện. Các số liệu khác được trình bày mà không đi cùng những phân tích, đối sánh với các năm liền kề, với kế hoạch đề ra và tình hình chung của ngành.

Cá biệt, đánh giá của Ban giám đốc và Hội đồng quản trị cũng như đánh giá về quản trị công ty còn rất sơ sài. Nhiều báo cáo thường niên chỉ dừng lại ở mức “điền thông tin một cách đối phó” theo mẫu hướng dẫn của Thông tư 96/2020/TT-BTC mà hoàn toàn không đầu tư chiều sâu về nội dung và tương tác với người đọc.

Khởi đầu cho đổi mới hệ thống quản trị và quản lý doanh nghiệp

Từ việc đánh giá báo cáo thường niên của các doanh nghiệp khối tài chính và phi tài chính trong năm 2022 cho thấy, nhìn chung, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm, đầu tư và nâng cao chất lượng báo cáo thường niên cũng như công bố thông tin. Mặc dù chưa phải là hoàn hảo, nhưng các báo cáo thường niên được trao giải cũng có thể xem như hình mẫu điển hình mà các doanh nghiệp trên thị trường có thể hướng đến.

Tuy nhiên, chính bản thân các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp khác cần cải thiện các khía cạnh sau để bắt nhịp với xu thế trình bày trong báo cáo thường niên và công bố thông tin trên thế giới.

Quan trọng hơn, cần hiểu rằng, trình bày báo cáo thường niên và hoạt động công bố thông tin không phải đích đến cuối cùng, mà trên hết, các doanh nghiệp cần xem đây là cơ hội để rà soát, đánh giá, trình bày có hệ thống về kết quả đạt được trong năm, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe dọa trong thời gian đến và từ đó đưa ra định hướng, kế hoạch phát triển, cải thiện và nâng cấp hệ thống quản trị, quản lý, vận hành, hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, thị trường và xã hội.

Ngoài ra, thực tiễn báo cáo thường niên và công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường cũng là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhà nước nâng cao các tiêu chuẩn chung và chi tiết nhằm quản lý và điều hành các doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách hiệu quả, xây dựng tính cạnh tranh quốc gia.


Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục