Thực thi FTA: Điệu Tango phải có hai người

Tuyên truyền cho doanh nghiệp về các FTA, Việt Nam làm tốt hơn các nước khác rất nhiều, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết sâu về các FTA lại thấp đến mức đáng ngạc nhiên.
Con số rất nhỏ tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA được nhắc đi, nhắc lại như một nỗi ám ảnh.

Nghịch lý trên có thể đã được tiếp tục mổ xẻ kỹ hơn, nếu như cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên diễn ra đúng kế hoạch vào sáng 31/7. Sát ngày đã định, cuộc làm việc được thông báo hoãn.

Nhưng trước đó, trong “bữa đại tiệc” - cách gọi của Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu về buổi làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) -  nghịch lý trên cũng đã được nhìn nhận nhiều chiều.

Cái gì cũng nhất

Thực ra, con số tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là FTA giữa Việt Nam và EAEU (1%), cao nhất là với AEC (3%) đã được nêu đi, nêu lại từ buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công thương, trước cuộc làm việc tại VCCI. 

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh “báo cáo thật” là không một nước nào phổ biến về FTA tốt như Việt Nam. “Nếu các đồng chí yêu cầu chúng tôi so sánh công tác phổ biến, tuyên truyền của Việt Nam với các nước, kể cả Mỹ, Australia và New Zealand, cả Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng ta làm tốt nhất”, ông Khánh quả quyết.

Những cái nhất sau đó được vị Thứ trưởng - người đàm phán FTA lão luyện - kể ra là: tài liệu nhiều nhất, hội thảo nhiều nhất, các cơ quan truyền thông phủ sóng nhiều nhất, dành thời lượng lớn nhất.

Nhiều thứ nhất như vậy, nhưng tại sao lại thiếu hiệu quả? “Bởi vì, chúng tôi cũng đã trình bày rất nhiều lần, điệu Tango phải có 2 người, Nhà nước cứ ra sức làm, nhưng ở phía bên kia (doanh nghiệp - PV), sự chủ động rất yếu”, ông Khánh lý giải.

Sự lỗi nhịp của điệu Tango được ông Khánh chứng minh ngay sau đó là, khi đoàn đàm phán đề nghị VCCI gửi công văn cho 52 hiệp hội hỏi xem đề xuất gì để phía Việt Nam yêu cầu đối tác trên bàn đàm phán, thì số hiệp hội trả lời đếm được trên đầu ngón tay.

“Ở nước khác, không có chuyện một doanh nghiệp nào đó đến đề nghị chính phủ phải phổ biến, tuyên truyền cho họ. Doanh nghiệp lớn thì có bộ phận pháp lý nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ thông qua hiệp hội. Không bao giờ doanh nghiệp hỏi chính phủ cơ hội nằm ở đâu”, ông Khánh nói.

Tỷ lệ không quá quan trọng

Thông tin từ ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khi làm việc với Đoàn giám sát vào hôm sau thêm một lần chứng minh là, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm rất nhiều trong tuyên truyền về FTA cho doanh nghiệp. “Cổng thông tin FTA của VCCI là một trong những cổng thông tin mạnh nhất về cung cấp thông tin về FTA cho các doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Bộ Công thương và VCCI thông tin, tuyên truyền về các FTA rất tốt, hơn một lần các hiệp hội doanh nghiệp thừa nhận với Đoàn giám sát như thế. Nhưng cái khó là nhiều cam kết vô cùng khó hiểu, mà lại thiếu tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến các FTA.

Ông Nguyễn Văn Giàu chia sẻ, ông cứ “ám ảnh” rằng, 47.000 tin bài và 66,7 triệu lượt truy cập (con số được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI cập nhật tới thời điểm làm việc với Đoàn giám sát) từ cổng thông tin FTA đã đủ “no” với doanh nghiệp chưa, hay doanh nghiệp vẫn “đói”, vẫn “thòm thèm”, hay doanh nghiệp “ăn vào mắc nghẹn, mắc xương”.

Cũng “ám ảnh” với con số về tỷ lệ các doanh nghiệp hiểu biết sâu về các FTA chỉ dưới 2%, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Tiến đặt vấn đề: Quốc hội cố gắng, VCCI cố gắng, bộ nào cũng cố gắng tuyên truyền, song kết quả như thế, làm cách nào để nâng lên? Ông Tiến kêu gọi các hiệp hội cố gắng nâng cao tính chủ động, giúp các cơ quan chức năng đưa được thông tin hữu ích đến các doanh nghiệp, các thông tin sát nhất, chứ không phải chỉ đại ý, đại cương.

Đặc biệt chia sẻ với nhận xét của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh là so với nhiều nước, Việt Nam làm công tác tuyên truyền về FTA tốt nhất, nhưng bà  Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, Việt Nam không giống các nước khác, nên dù doanh nghiệp chưa chủ động, thì cơ quan nhà nước cũng phải làm sao để cung cấp thông tin, làm sao để doanh nghiệp sốt ruột mà chủ động tìm kiếm thông tin. Bà thừa nhận, việc cung cấp thông tin đúng là đang có vấn đề, bởi các cam kết khó quá, trong rất nhiều vấn đề, chỉ có người đi đàm phán mới biết.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhắc đến con số phần trăm doanh nghiệp hiểu biết sâu về các FTA rất thấp, nhưng nhấn mạnh “phần trăm đó không quá quan trọng”. Dẫn chứng là, BTA là hiệp định song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, ký vào năm 2000, cũng phức tạp không kém các FTA thế hệ mới, song điều đó không ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam đến giờ xuất siêu 36 tỷ USD vào thị trường này. “Cho nên, câu chuyện tỷ lệ phần trăm biết về FTA nào đó là quan trọng, nhưng chưa phải yếu tố quyết định cuối cùng”, ông Khánh nêu quan điểm.

Cần tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến FTA.

Thời gian qua, Bộ Công thương và VCCI làm thông tin về FTA rất tốt. Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi hiện nay là thông tin về đối tác. Chúng tôi chưa hiểu các đối tác mới trong FTA. Khó khăn nữa là thiếu tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến các FTA. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói là các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu sau khi Chính phủ hướng dẫn. Nhưng các vấn đề trong FTA, nhất là những vấn đề pháp luật thì vô cùng khó hiểu, nên chúng tôi đề nghị phải có tổ chức tư vấn. Nếu VCCI có tổ chức đó thì tốt. 

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logicstic

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục