Điều đáng nói, đây chính là dự báo của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại sự kiện Đối thoại Việt Nam - EU: “Gia nhập thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp châu Âu trong ngành thực phẩm và đồ uống”.
Ông Miguel Charneco Garrido, Thành viên Ban quản trị EuroCham cho rằng, theo kết quả khảo sát chỉ số “Môi trường kinh doanh của EuroCham”, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá tính cực về tình hình kinh doanh năm 2016. EuroCham nhận thấy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ từ châu Âu quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam, điển hình trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Quan trọng hơn, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống tăng cao do tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tăng lên, nên cơ hội cho các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực này mở ra ngày càng nhiều.
Không chỉ vào đầu tư mới các nhà máy, xu hướng sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống có thương hiệu hoặc có triển vọng tăng trưởng tốt tại Việt Nam đang đã và đang là đích ngắm của không ít doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế này đã tạo nên một thị trường với nhiều nhà cung cấp, sản phẩm đa dạng và người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn nhiều hơn.
Công ty TNHH liên doanh Thực phẩm Mavin, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chất lượng cao từ thịt (giăm bông, xúc xích…) theo tiêu chuẩn và chất lượng châu Âu, có nhà máy tại KCN Đồng Văn II, xã Bạch Thượng, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã gia nhập thi trường thực phẩm Việt Nam và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.
Nhà máy của Công ty được khởi công xây dựng từ tháng 12/2013 và đưa vào hoạt động từ quý III/2014, với điểm đặc biệt nhất là sở hữu chuỗi giá trị sạch khép kín từ thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y tới chế biến thực phẩm.
Mô hình sản xuất của Thực phẩm Mavin là sự kết hợp giữa ba đơn vị gồm: Công ty mẹ, Tập đoàn Austfeed Việt Nam cung cấp heo giống nhập khẩu của hãng JSR (Anh Quốc) cùng hàng chục trang trại chăn nuôi gia công tại miền Bắc, miền Trung và ba nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, Bình Định có công suất 600.000 tấn sản phẩm/năm.
Công ty cổ phần Dược - Thú y Cai Lậy - Mekovet - một công ty thành viên của Austfeed Việt Nam, là nhà sản xuất các sản phẩm dược thú y đạt chuẩn WHO-GMP, với tổng vốn đầu tư trên 5 triệu USD và Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin, chuyên sản xuất các sản phẩm được chế biến từ thịt như giăm bông, xúc xích… với tổng vốn đầu tư lên đến 15 triệu USD.
Sau một thời gian hoạt động, Mavin có 100 loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm cao cấp, đã có chỗ đứng tại các khách sạn, nhà hàng trên toàn quốc… Bên cạnh đó, dòng sản phẩm bình dân của Mavin cũng bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị với giá cả cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường.
Tháng 7/2015, thị trường trong nước đã chứng kiến lễ ra mắt của thương hiệu mới: Mondelēz Kinh Đô. Đây là sự kết hợp giữa hai tên tuổi dẫn đầu ngành bánh kẹo trong cùng mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những thương hiệu được yêu thích.
Mondelēz Kinh Đô ra mắt sau khi Mondelēz International hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo Kinh Đô, vốn là mảng kinh doanh dẫn đầu thị trường của Tập đoàn Kinh Đô trước đây.
Ông Stephane Gripon, Giám đốc điều hành Mondelēz Kinh Đô cho biết, Mondelēz Kinh Đô sở hữu danh mục sản phẩm mạnh tại thị trường nội địa, còn Mondelēz International có nguồn lực toàn cầu rộng lớn.
Trong khi đó, tại một một sự kiện có sự góp mặt của hơn 10 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Pháp tới Việt Nam hồi cuối năm 2015 do Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Pháp (Business France Vietnam) tổ chức, đại diện Công ty Distillerie Vinet-Delpech SAS cho rằng, Việt Nam ang là một trong những thị trường có sức tiêu thụ đồ uống cao tại châu Á với tỷ lệ tăng trưởng trung bình dự báo năm 2016 là 10%.
“Chúng tôi sẽ xem xét nguồn lực và đánh giá kỹ hơn để tính chuyện đầu tư tại Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp đến từ Pháp nói.
Đối với lĩnh vực đồ uống, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), thị trường Việt Nam với sự tham gia của 40 hãng bia trên thế giới. Nhiều thương hiệu ngoại đang dần thâu tóm các thương hiệu bia nội.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, với mảng sản xuất, kinh doanh bia thì đã vậy, hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhưng ở mảng thị trường nước giải khát không cồn Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 15%, được xem là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng với các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước.
Kết quả khảo sát về Xu hướng đầu tư tư nhân ở Việt Nam do Grant Thornton thực hiện cho thấy, ngành thực phẩm & đồ uống (F&B) đang được xem là một trong những ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân, với tỷ lệ chọn và 41%/số người tham gia, do Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiêu dùng triển vọng nhất châu Á.