Kế hoạch góp vốn
FMC dự kiến góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An, vốn điều lệ 234 tỷ đồng (bằng 47,7% vốn điều lệ FMC), hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, gieo trồng, chế biến nông sản.
Theo đó, Công ty sẽ góp 180,4 tỷ đồng bằng tiền mặt và tài sản, chiếm 77,1% vốn điều lệ doanh nghiệp mới; các cá nhân khác góp 53,6 tỷ đồng bằng tiền mặt, chiếm 22,9% vốn điều lệ.
Cụ thể, FMC sẽ chuyển giao Nhà máy thực phẩm An San và hệ thống kho lạnh 4.000 tấn nằm trong một giấy chứng nhận đầu tư do Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cấp về việc đầu tư kho lạnh 9.000 tấn; cho thuê Xí nghiệp thuỷ sản Sao Ta với thời hạn 2 năm kể từ 1/1/2021, hết thời hạn cho thuê sẽ dùng giá trị tài sản này góp vốn để đủ tỷ lệ theo thoả thuận, phần còn lại góp bằng tiền mặt.
Báo cáo hợp nhất sẽ đẹp
Theo báo cáo thường niên 2019, FMC có 5 chi nhánh trực thuộc chính là Xí nghiệp thuỷ sản Sao Ta, Nhà máy thực phẩm An San, Nhà máy thuỷ sản Tin An, Nhà máy Thuỷ sản Nam An, Xí nghiệp nuôi thuỷ sản Xuân Phú. Trong bản cáo bạch năm 2019, doanh nghiệp cho biết, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, EU, Mỹ, chiếm hơn 90% tổng doanh thu xuất khẩu.
Với việc thành lập Khang An, FMC sẽ chuyển 2/5 chi nhánh trực thuộc sang pháp nhân mới, cùng hệ thống kho lạnh 4.000 tấn.Theo quy định kế toán hiện hành, FMC sẽ thực hiện hợp nhất tất cả tài sản, nguồn vốn, báo cáo kết quả kinh… của công ty con Khang An vào công ty mẹ, giúp tổng tài sản doanh nghiệp tăng lên.
Ngoài ra, nếu pháp nhân mới hoạt động ổn định ngay từ đầu nhờ Nhà máy thực phẩm Sao Ta chuyển sang, cũng như tệp khách hàng hiện hữu của FMC, thì có thể có doanh thu và lợi nhuận ngay.
Lợi nhuận này về cơ bản sẽ được hợp nhất vào báo cáo của FMC, bao gồm 22,9% của nhóm cổ đông cá nhân, nhưng doanh nghiệp thực tế không nhận thêm tiền trừ khi pháp nhân mới chia cổ tức.
Tổng tài sản, lợi nhuận hợp nhất tăng nhờ việc góp vốn, nhưng trong báo cáo của FMC, khoản mục lợi ích cổ đông không kiểm soát (cách ghi khác là lợi ích cổ đông thiểu số) sẽ có giá trị tăng mạnh, vì đây là khoản mục thể hiện đúng bản chất 22,9% vốn điều lệ của cổ đông cá nhân trong pháp nhân mới.
Đối ứng với khoản mục này bên tài sản sẽ có một giá trị tương ứng thuộc về nhóm cổ đông sở hữu 22,9%.
Như vậy, việc thành lập pháp nhân mới giúp tổng tài sản FMC tăng, doanh thu và lợi nhuận có thể tăng khi nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất, nhưng không thực sự phản ánh đúng bản chất. Việc phân tích và định giá FMC cần có sự điều chỉnh để thể hiện các tài sản thực của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Khang An do hoạt động cùng ngành nghề nên sẽ liên quan tới FMC từ chuỗi cung ứng tới khách hàng. Điều này có thể dẫn tới xung đột lợi ích giữa cổ đông của hai bên.
Trong cơ cấu cổ đông tại FMC tính tới 30/6/2020, nhóm Công ty cổ phần Tập đoàn Pan (PAN) có tỷ lệ biểu quyết 64,45%, quyền sở hữu 60,85% thông qua trực tiếp nắm giữ cổ phần và công ty con là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Bến Tre.
FMC đang có dòng tiền âm và nợ vay tăng
6 tháng đầu năm 2020, FMC đạt doanh thu 1.585,5 tỷ đồng, giảm 2,7%; lợi nhuận sau thuế 92,4 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 380,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 93,3 tỷ đồng. Để bù đắp hoạt động kinh doanh thâm hụt vốn, doanh nghiệp đã phải huy động 391,7 tỷ động, chủ yếu là đi vay.
Tính tới 30/6/2020, tổng tài sản của FMC tăng 28,8% lên mức 1.958,7 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho trị giá 795,9 tỷ đồng, chiếm 40,6%; các khoản phải thu ngắn hạn 339 tỷ đồng, chiếm 17,3%; tài sản cố định 336,8 tỷ đồng, chiếm 17,2%.
Ngoài ra, tổng nợ vay tăng 167,6% lên mức 740,8 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn tăng từ 18,2% lên 37,8%; tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng từ 29% lên 78%.