Tính từ tháng 11/2011 đến nay, thị trường đã chứng kiến 6 TCTD thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH của NHNN. Nếu tính theo phát biểu hồi đầu năm tại Hội nghị kinh tế đối ngoại VN của Thống đốc NHNN là năm 2012, sẽ có 5-8 TCTD thực hiện sáp nhập, thì như vậy “chỉ tiêu” đó đến nay mới chỉ đạt được 2, với trường hợp của Habubank nhập vào SHB.
Quyền lực của tin đồn?
Tức sẽ còn ít nhất 3, hoặc nhiều là 6 TCTD phải tiếp tục thực hiện công cuộc tái cấu trúc theo cách thức hợp nhất, sáp nhập trong năm. Tuy nhiên, năm 2012 chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc. Cuộc chạy maraton sáp nhập, hợp nhất các TCTD đã đến hồi ráo riết, nhưng dường như “trọng tài” thổi còi khởi động cuộc đua lại đang là những... tin đồn.
Ban đầu là tin đồn đã dậy sóng từ đầu năm 2012 về thương vụ TCty Tài chính CP Dầu khí – PVFC có khả năng “chạm ngõ” với Ngân hàng Phương Tây (WesternBank). Tin tức này chỉ chịu “chìm xuồng” khi cuối tháng 8/2012, PVFC có công văn tới Sở giao dịch chứng khoán TPHCM rằng “việc hợp nhất giữa PVFC với Westernbank không phải là thông tin chính thức do PVFC công bố. Hiện PVFC chưa hợp nhất với ngân hàng nào”. Thành ra, khi NH Phương Tây có tên trong “danh sách” bắt buộc tái cơ cấu mà đại diện NHNN đưa ra vào cuối tháng 10 này, cái tên PVFC không còn được nhắc tới. Theo một chuyên gia, nguyên do chính có lẽ là PVN – Tập đoàn Dầu khí đang nắm 78% vốn của PVFC đã “đổi hướng”, khi Chính phủ chính thức yêu cầu PVN thoái vốn hoàn toàn khỏi các hoạt động đầu tư đa ngành. Theo đó, để có thể có một ngân hàng thương mại thuận lợi cho việc thu xếp vốn của Tập đoàn, “rất có thể PVN sẽ tính toán sáp nhập PVFC với một trong 2 ngân hàng mà PVN cũng là cổ đông lớn, là OceanBank hay GPBank”. Cũng theo chuyên gia này, việc cân nhắc và tính toán tỉ lệ hoán đổi khi sáp nhập giữa tổ chức cùng do PVN nắm giữ phần lớn vốn, sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc PVN đàm phán thoái vốn từ PVFC với một TCTD khác, cho dù đó là WesternBank. “Dầu gì thì PVFC vẫn chưa phải là một TCTD nên không nằm trong lộ trình tái cấu trúc của NHNN, trừ phi gấp gáp muốn “đổi áo thay tên”.
Hơn nữa, nói như Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực, muốn thoái vốn cũng phải có lộ trình. PVFC đang có vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng và tổng tài sản trên 95.000 tỉ đồng, nay nếu có muốn nhắm tới sáp nhập vào Ngân hàng Phương Tây có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng và tổng tài sản trên 20.000 tỉ đồng, thì cái khó không phải là chuyện tính tỉ lệ chuyển đổi cổ phần theo cách thức SHB và HBB từng thực hiện dựa trên giá trị tài sản hữu hình, mà khó nhất vẫn là chuyện so đọ và đàm phán tỉ lệ cộng thêm bởi các giá trị vô hình – giữa một “anh” thấp về vốn điều lệ nhưng lại có giá bởi “cái áo” ngân hàng, với một “anh” nhỉnh” hơn vốn điều lệ nhưng cũng có tổ chức “chống lưng” không thiếu danh giá là cổ đông lớn thuộc một Tập đoàn lớn nhất nhì VN; và chắc chắn Tập đoàn này sẽ chẳng dại gì chịu thiệt chỉ vì muốn đạt mục tiêu thoái vốn, trong khi lộ trình thoái vốn của họ còn có hẳn tới 3 năm; Hơn nữa họ cũng còn 2 NH khác phải lo thoái vốn cùng. Do đó, không lạ khi tin đồn sáp nhập WesternBank và PVFC vẫn mới chỉ dừng lại ở... tin đồn” - vị chuyên gia phân tích.
Với những ai đã quan tâm đôi chút tới thị trường tài chính VN hẳn cũng không lấy làm ngạc nhiên trước những tin vô căn cứ, kiểu “đồn chút cho vui” trong nhiều trường hợp lại chứng tỏ “quyền năng” đi trước thị trường, vì những diễn biến của các vụ việc được đồn diễn ra thường... đúng sau đó. Đó là trường hợp đã từng có ở thương vụ sáp nhập SHB và HBB, cho dù ngay khi tin đồn nhóm lửa, đại diện tổ chức đôi bên đã lập tức phản bác. Cũng có công văn phản bác tin đồn là trường hợp DaiABank và HDBank. Tuy nhiên, thay vì dập tắt lửa tin đồn thì đến nay công văn của HDBank và DaiABank dường như không thuyết phục được thị trường khi gần như cùng lúc, cả 2 bên có thông báo đại hội cổ đông bất thường để bàn chuyện tái cấu trúc, mặc khác, NHNN lại khẳng định chủ trương sáp nhập đã được chấp nhuận.
“Chìa khóa” xóa tác động của tin đồn
Trong một bài viết đăng trên website của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ về hoạt động tái cơ cấu ở các TCTD: “Điều quan trọng là huy động vốn ở nhiều NHTM yếu kém đang triển khai cơ cấu lại không bị giảm và các khoản tiền gửi mới tại các NHTM đó đã trở lại cho thấy lòng tin của công chúng được duy trì ổn định ngay từ đầu quá trình cơ cấu lại các TCTD”. Song song trong các thương vụ sáp nhập, hợp nhất đã diễn ra trên thị trường, thương vụ nào cũng gắn kèm cam kết bảo đảm thanh khoản cho các NH từ phía NHNN. Lòng tin công chúng và sự bảo đảm của NHNN liệu vẫn chưa đủ để các TCTD có thể yên tâm công khai lộ trình các thương vụ sáp nhập, hợp nhất đang thực hiện? Hay phải chăng bí mật đến phút chót vẫn là nguyên tắc mà các thương vụ hợp nhất, sáp nhập các TCTD vẫn phải tuân thủ, trong khi danh tính của những tổ chức này lại có thể đếm được trên đầu ngón tay?
Bên cạnh đó, cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi trao đổi về hoạt động tái cấu trúc hệ thống tín dụng, cơ quan này sẽ yêu cầu TCTD tăng tính minh bạch trong hoạt động NH thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin; đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu các ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Một cơ chế mới về công bố thông tin như thế nào để tăng tính minh bạch trong hoạt động NH là điều mà kể từ phát ngôn của Thống đốc hồi tháng 5/2012 đến nay, thị trường vẫn luôn mong đợi. Có lẽ, nếu GPBank, TrustBank, Navibank hay WesternBank... thực hiện cơ chế công bố thông tin mới đó, vào lúc này chính các TCTD đó sẽ không phải phòng ngừa tâm lý người dân và cũng sẽ không có ai phải “ngã ngửa” khi nghe tin các TCTD này đang hoạt động với tỉ lệ nợ xấu “khủng”, có TC mất vốn điều lệ và có TC nợ xấu lên tới 60%, trong khi báo cáo tài chính năm của các NHN này nợ xấu chỉ trên dưới 2%; và thậm chí trong số này có những TC còn liên tục nhiều năm được vinh danh ở top các DN đóng thuế nhiều nhất, các DN lớn nhất VN hay được NHNN tặng bằng khen vì công tác... báo cáo thống kê năm(!).
Chung quy lại, làm thế nào để người dân tin tưởng vào hệ thống tín dụng và nhận thức được việc sáp nhập, hợp nhất bất kỳ một TCTD nào cũng là chuyện bình thường, đó là trách nhiệm không chỉ thuộc về một TCTD hay cơ quan quản lý. Khi các TCTD vẫn đang vừa phải tái cấu trúc, vừa phải e dè, cẩn trọng với tâm lý người dân, thì sẽ rất khó có một cao trào sáp nhập, hợp nhất vào chặng kết thúc giai đoạn 1 của đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Năm 2013 sẽ là giai đoạn nối dài của những thương vụ này.
Theo ông Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Ủy ban thường vụ QH, tái cấu trúc hệ thống các TCTD có thể dẫn đến vấn đề niềm tin công chúng bị suy giảm, vì người dân thường nghĩ ngay tới việc NH đang lâm vào tình trạng phá sản hay chuẩn bị đổ vỡ nên mới tiến hành tái cấu trúc. Kinh nghiệm cho thấy, để trấn an tâm lý trên và lấy lại niềm tin từ người gửi tiền; bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, song song với tăng cường giám sát, cảnh báo sớm nhằm giảm rủi ro thiệt hại của người gửi tiền; rất nhiều tổ chức BHTG trên thế giới thực hiện đổi mới chính sách bảo hiểm tiền gửi bằng việc nâng cao hạn mức chi trả hay bảo hiểm toàn bộ số tiền gửi, vì đây là yếu tố trực tiếp tác động đến quyền lợi cũng như niềm tin của người gửi tiền. Do đó, có thể nói rằng để xóa tác động của tin đồn và để các TCTD được “đường đường chính chính” đàm phán, công khai công bố các thông tin liên quan đến hoạt động tái cấu trúc, đặc biệt theo hướng hợp nhất, sáp nhập, thì chìa khóa đầu tiên vẫn là bảo hiểm tiền gửi cho người dân. |