Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) và Ngân hàng miền Tây (Western Bank) không được phép đưa ra thông tin trước khi đề án hợp tác giữa 2 đơn vị này (nếu có) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đó là lý do vì sao trong lúc thị trường rộ lên thông tin về một cuộc tái cấu trúc mới trong ngành ngân hàng sắp diễn ra, nhưng hai đơn vị trên vẫn im lìm. Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể thấy, nhu cầu đến với nhau của hai bên là có thực, vấn đề còn lại là năng lực và cách thức thực hiện.
Nhu cầu đến với nhau của PVFC và Western Bank là có thực, vấn đề còn lại là năng lực và cách thức thực hiện
Ngay từ tháng 4/2012, việc PVFC đang xem xét khả năng kéo một ngân hàng về hợp nhất để chuyển đổi hoạt động thành ngân hàng thương mại được lãnh đạo tổng công ty này đưa ra, đã có nhiều thông tin cho rằng, ngân hàng trong tầm ngắm là Western Bank. Xét về thực lực, Western Bank là một trong những ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ, hoạt động không mấy hiệu quả. Hiện ngân hàng này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Western Bank đạt 121 tỷ đồng trên tổng tài sản 20.551 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 12.830 tỷ đồng, tăng 124,3% so với năm 2010. Hoạt động cho vay đạt 8.811 tỷ đồng, tăng trưởng tới 123,5% so với năm 2010.
Theo chia sẻ của một cổ đông lớn tại Western Bank, tuy hoạt động của ngân hàng này không thuộc nhóm hiệu quả nhưng lành mạnh, bởi vậy Ngân hàng đã vượt qua các cuộc thanh kiểm tra khắc nghiệt của cơ quan quản lý tiền tệ. Tuy nhiên, đây là thời điểm khó khăn và mệt mỏi với các nhà đầu tư, Ngân hàng cần một nguồn lực cả về tài chính và quản trị lớn hơn để củng cố tiềm lực. Đề nghị hợp tác cũng đã được cổ đông lớn của ngân hàng này đưa ra với một số chủ tịch ngân hàng có thực lực.
Trong khi đó, PVFC có nhu cầu hợp nhất với một ngân hàng khác để chuyển đổi hoạt động. Vốn điều lệ của Tổng công ty hiện là 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 93.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô một ngân hàng thương mại lớn. Quy mô như vậy nhưng hoạt động trong chiếc áo pháp lý là công ty tài chính lại quá chật và triển vọng cạnh tranh rất thấp.
Ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC chia sẻ, là công ty tài chính, PVFC không được huy động vốn từ dân cư, không được mở tài khoản thanh toán cho tổ chức và cá nhân, không có được các kênh phân phối, hạn chế trong mở rộng mạng lưới hoạt động… Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được xây dựng và hoàn thiện trong năm 2011 với mục tiêu chuyển đổi hoạt động thành ngân hàng thương mại. Đề án này đã được Tập đoàn Dầu khí Việt
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo giới quan sát, chuyện hợp nhất Western Bank vào PVFC chưa hẳn đã đến “vòng chung kết”. Lý do quan trọng nhất khiến Western Bank đưa ra lời đề nghị hợp tác là cần nguồn tiền rót vào để trụ vững qua cơn khốn khó của thị trường. Nhưng PVFC có gì? Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế quý II của PVFC chỉ đạt 13,58 tỷ đồng, lũy kế lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 169,7 tỷ đồng. Tính đến 30/6, dư nợ tín dụng của PVFC là 45.151 tỷ đồng. Nợ xấu của PVFC là 1.453,7 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ xấu 3,2%, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 653,7 tỷ đồng. Một cổ đông lớn của WesternBank khi nói về mức độ chắc chắn của hợp tác trên đã chia sẻ: “Phía họ (PVFC-PV) đâu có tiền”. Lo cho mình còn đang vất vả, liệu PVFC có đủ lực để kéo một ngân hàng nhỏ vượt lên?
Với giả định rằng, hai bên đã có một bản ghi nhớ, sẽ có nhiều con đường dẫn đến hợp tác, đơn cử như PVFC mua lại một tỷ lệ lớn cổ phần của Western Bank từ các cổ đông hiện hữu, mua cổ phần phát hành thêm hoặc trái phiếu chuyển đổi của Western Bank… Tuy nhiên, như đã đề cập, mấu chốt quyết định thương vụ này có diễn ra hay không chính là năng lực tài chính và độ sẵn sàng của PVFC.