Thực hiện 7 cải cách đột phá kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Theo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa.
Chỉ có 0,03% tờ khai hải quan vi phạm do không đạt chất lượng nhập khẩu Chỉ có 0,03% tờ khai hải quan vi phạm do không đạt chất lượng nhập khẩu

Giảm đầu mối tiếp xúc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” (kiểm tra chuyên ngành) nhằm cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa.

Mục tiêu của Đề án này còn tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế.

Điểm mấu chốt của Đề án, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

“Thực hiện Đề án này, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ “miễn kiểm tra chất lượng” hoặc “kiểm tra giảm” thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng”, ông Cẩn cho biết.

Đề triển khai Đề án, trong quý II năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trong quý II năm 2021 với 7 cải cách đột phá trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu.

Cụ thể, theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), 7 cải cách đột phá sẽ được quy định cụ thể gồm giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng lô hàng phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra; và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra

Đề án giao Bộ Tài chính thống nhất với các bộ ngành xác định cụ thể mặt hàng cần kiểm soát đặc biệt để áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phù hợp trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết quy trình, thủ tục kiểm tra đối với quy định áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm) cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.

“Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra này sẽ tự động chuyển đổi phương thức kiểm tra. Theo đó, hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang kiểm tra thông thường; 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang kiểm tra giảm. Doanh nghiệp không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu”, ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Đối với thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng lô hàng phải kiểm tra, ông Tuấn cho biết sẽ áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm thực hiện đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để cắt giảm một số bước kiểm tra không cần thiết và cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.

Đánh giá cao nỗ lực cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK kể từ khi Chính phủ ban hành các nghị quyết (Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP) thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2015 đến nay, nhưng bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng vẫn chưa đạt yêu cầu cải cách.

“Mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ khoảng 100.000 xuống 78.000; tỷ lệ các lô hàng XNK phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan hiện còn khoảng 19,4% đã cho thấy có sự chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn rất chậm so với yêu cầu đặt ra là kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan dưới 10%”, bà Thảo nhấn mạnh.

“Tỷ lệ hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên tổng số tờ khai hàng xuất khẩu từ năm 2014 đến nay dao động từ 1,62% đến 4,8%; nhập khẩu từ 19% đến 25,93% thể hiện sự chuyển biến trong cải cách, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp”, bà Thảo nói thêm.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục