Ba khâu đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực được Đảng xác định là 3 “mũi giáp công” chủ lực để đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có những dấu ấn được ghi nhận. Song, để Việt Nam cất cánh, tiến tới hùng cường, thịnh vượng, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết một lòng, xây dựng được thể chế kiến tạo, tăng tốc về hạ tầng và bứt phá về nguồn nhân lực.
Bài 1: Xây dựng, hoàn thiện thể chế kiến tạo
Thể chế được xem là nguồn lực gốc và bao trùm của các nguồn lực. Thể chế được khơi thông, hoàn thiện theo hướng kiến tạo, các nguồn lực khác mới phát huy được hết sức mạnh cho công cuộc phát triển đất nước.
Nghị quyết “lịch sử” của giới doanh nhân
Ngày “Tết Doanh nhân” năm nay (13/10), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận một tin vui, một món quà hết sức có ý nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đây được xem là nghị quyết “lịch sử” với giới doanh nhân kể từ sau Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI cách đây hơn một thập kỷ. Đây cũng là sự tiếp nối có tính hệ thống các nghị quyết: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đó là một hành trình kiến tạo khung khổ, đường băng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, lớn mạnh.
Đón nhận thông tin này, ngay tại Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) hào hứng bày tỏ, đây là việc mang tính biểu tượng về sự tin tưởng, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết có những nội dung mới về quan điểm, định hướng, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.
Điều này là dễ hiểu, vì trong 7 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đạt tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Trong các yêu cầu về tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, Bộ Chính trị lưu ý bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu phải có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 5/2023) cũng khẳng định, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII là “tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng cao hơn nữa hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”.
Có thể thấy nỗ lực của sự “đồng bộ”, “thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị” như Tổng Bí thư đã nói khi nhìn vào nửa nhiệm kỳ khá đặc biệt vừa qua của Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp, khó lường, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao nhiệm kỳ, vừa nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa bàn bạc, quyết định những quyết sách lớn của đất nước, theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII là “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”; “nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được tổ chức tháng 9/2023, nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật.
Tại Hội nghị, tinh thần kiến tạo để phát triển được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi đánh giá về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ông cho rằng, dù dự án luật đã có bước tiến rất dài, nhưng vẫn cần “lạc quan thận trọng”, bởi còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Mà, kiến tạo và phát triển cũng từ đạo luật quan trọng, đặc biệt này. Luật này mà không xử lý được những vấn đề đặt ra, thì sẽ tiếp tục cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội còn tổ chức những kỳ họp bất thường, Quốc hội quyết định dùng một luật sửa nhiều luật để kịp thời tháo gỡ những “điểm nóng” của môi trường kinh doanh đang khiến doanh nghiệp lao đao, hay gỡ nút thắt cho những vấn đề nan giải của xã hội, như đấu thầu thuốc, thuê mua thiết bị y tế đang làm đình trệ, “trói tay” ngành y tế… Những quyết định đó, nhìn trong lịch sử 77 năm của Quốc hội Việt Nam, quả thực là chưa có tiền lệ.
Trong bối cảnh đó, chỉ tính đến hết Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đằng sau những con số này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mỗi bộ, ngành, địa phương và của mỗi cán bộ, đảng viên…
Để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng rất chủ động, quyết liệt. Cùng các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật, đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp...
Việc tập trung ưu tiên xây dựng thể chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đem lại những chuyển biến quan trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị lần thứ tám (Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII) vừa qua, là “công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực”.
Hoàn thiện thể chế là con đường gian khó
Đầu tuần sau, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Đây là kỳ họp thứ 2 trong năm của Quốc hội như thông lệ, nhưng được dư luận, nhân dân và giới đầu tư, kinh doanh đặc biệt quan tâm, nhất là việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Đây có lẽ là một trong những dự thảo luật có thời gian “thai nghén”, xây dựng, hoàn thiện dài nhất trong lịch sử lập pháp nước nhà. Được đánh giá là dự án luật “rất cấp thiết”, “cần phải ban hành sớm”, đã được đưa vào Chương trình từ Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), trải qua 4 lần Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội, đến tháng 10/2022, Dự thảo mới được chính thức trình Quốc hội lần đầu tiên.
Trước đó, không thể không kể đến “cú hích” là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Từ đây, các hoạt động sửa đổi pháp luật về đất đai, phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội... liên tục tổ chức, ghi nhận hơn 12 triệu lượt góp ý, phản biện.
Kỳ họp thứ tư và thứ năm đã ghi nhận thêm những ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, nhưng đến Kỳ họp thứ sáu này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn nhiều vấn đề được xem là rất khó, chưa có được phương án tối ưu. Hành trình gian nan của Luật Đất đai (sửa đổi) có yếu tố chủ quan, khi nội hàm của vấn đề này vốn dĩ rất phức tạp, liên quan tới tính chất đặc thù, đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai.
Song, nhìn khách quan, nó cũng cho thấy, vấn đề hoàn thiện thể chế đang gặp khó khăn như thế nào. Nhìn rộng ra, câu chuyện thể chế cho phát triển, dù đã được Đảng, Nhà nước ta sớm nhận ra, sớm đặt quyết tâm và bắt tay hành động, song ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, thể chế - chính sách vẫn là nút thắt lớn, kéo dài, cho đến nay chưa thể tháo gỡ hiệu quả.
Có thể kể đến, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua gần như tê liệt sau cú sốc “quả bom” vỡ nợ trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... Một khoảng trống mênh mông liên quan đến phát hành, sử dụng trái phiếu, đảm bảo quyền lợi của trái chủ… lộ ra, khiến cơ quan quản lý phải gấp rút họp bàn, ra nhiều văn bản, quy định nhằm tháo gỡ.
Thị trường bất động sản cũng gần như đóng băng, khi hầu hết doanh nghiệp lớn không thể triển khai dự án, những khu “đất vàng” bị bỏ hoang, những dự án lớn dang dở, hàng trăm ngàn tỷ đồng bị “chôn vùi”. Hàng chục cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được hối thúc tổ chức, nhằm gỡ khó cho từng địa phương, từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể… Đến nay, mới đang hé ra chút ánh sáng cuối đường hầm, với một vài dự án rục rịch chuyển động…
Nhìn vào những vướng mắc đã và đang tiếp tục diễn ra ở khắp các ngành, lĩnh vực hiện nay, có thể nói, xây dựng một thể chế kiến tạo vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải giải quyết từ gốc rễ và đồng bộ thì mới có thể tạo đột phá, khơi dậy nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước.
Tại Hội nghị lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV ngày 6/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần “chấm dứt sử dụng văn bản hành chính đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật”, nghĩa là tình trạng ban hành các văn bản dưới luật xung đột với các đạo luật. Tình trạng xung đột này cũng chính là một trong những điểm nghẽn của cơ chế, thể chế. Đây là thực trạng khá phổ biến và là nguyên nhân chủ yếu của rất nhiều ách tắc trong hoạt động công vụ cũng như trong đời sống dân sinh.
(Còn tiếp)