Thúc động lực tăng trưởng đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Để tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức trên 8%, Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công. Phấn đấu năm nay, giải ngân đầu tư công đạt 100%.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Ảnh: Đức Thanh Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Ảnh: Đức Thanh

Bắt đúng mạch, đúng bệnh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hôm qua (20/5), đã chủ trì Hội nghị họp bàn với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Đây là một trong những nỗ lực tiếp theo của Chính phủ trong bối cảnh đầu tư công tiếp tục được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất, nhất là khi các động lực tăng trưởng mới còn có độ trễ, cần thời gian, còn động lực tiêu dùng và xuất khẩu đang gặp khó khăn.

“Đầu tư công được xác định có vai trò dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Được xác định có vai trò lớn như vậy, nên các nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công vẫn đang được quyết liệt. Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, dù đã được cải thiện, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm mới đạt trên 128.500 tỷ đồng, tuy cao hơn khoảng 18.000 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ đạt tỷ lệ 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 16,64% của cùng kỳ năm trước. Hơn thế, vẫn còn hơn 8.000 tỷ đồng cho đến nay vẫn chưa được phân bổ chi tiết, nguy cơ gây lãng phí nguồn lực. Trong lúc nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân khá, vẫn có một số bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp, thậm chí rất thấp, dưới 5%.

Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, là có nhiều, bao gồm khó khăn về giải phóng mặt bằng; thiếu nguyên vật liệu đắp nền, cát, đá; vướng mắc về đơn giá, định mức; vướng mắc về quy hoạch; do công tác đấu thầu; khó khăn, vướng mắc về nguồn thu ngân sách địa phương… Ví dụ, để thực hiện một dự án xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội, chủ đầu tư cần thực hiện ít nhất 8 thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, dẫn tới kéo dài thời gian… Đặc biệt, năm nay còn có phát sinh những vướng mắc liên quan đến việc sáp nhập địa giới, sắp xếp bộ máy hành chính.

“Nhưng trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo.

Khi phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phải làm rõ, tìm ra nguyên nhân, thống kê lại những bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm để đánh giá lại cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu. “Phải bắt đúng mạch, đúng bệnh để có giải pháp phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh và một lần nữa nhắc đến chuyện không được để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Thúc động lực đầu tư công để tăng trưởng trên 8%

“Bệnh” đã được bắt, giờ là lúc để “trị bệnh” giải ngân đầu tư công chậm để thúc tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm nay. Bộ Tài chính đã đề xuất 10 giải pháp để thúc đầu tư công. Trong đó, giải pháp về công tác chỉ đạo, lãnh đạo đặt lên hàng đầu. Tiếp đó là các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; về công tác giải phóng mặt bằng; về nguồn cung nguyên vật liệu; quy hoạch; đảm bảo nguồn chi cho đầu tư phát triển; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng Dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, từng quý.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung

“Trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án giao thông trọng điểm”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh và kiến nghị các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch giải ngân, tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phải chủ động thúc đẩy đầu tư. “Phải tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát với tinh thần ‘địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm’…”, Thủ tướng chỉ đạo.

Năm nay, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8%, mục tiêu được Chính phủ đặt ra không chỉ là giải ngân 95% như mọi năm, mà là phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều đó có nghĩa, vẫn còn trên 700.865 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân. Đây là một con số khá lớn, nếu không nỗ lực thì không dễ hoàn thành nhiệm vụ.

Nhận thức rõ nhiệm vụ nặng nề này, nhiều địa phương trong cả nước đang quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2025 giải ngân được 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch giao đầu năm. Như vậy, trong hai tháng 5 và 6, tỉnh phải giải ngân thêm 3.990 tỷ đồng, cao gấp 2,68 lần số đã thực hiện trong 4 tháng đầu năm.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến cuối tháng 6/2025, sẽ lọt top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao và đến cuối năm, sẽ hoàn thành vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ phát động cao điểm 45 ngày đêm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

“Bắc Ninh cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công - tư”, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục