Đánh giá sự minh bạch qua điểm số
Hơn 300 khách mời gồm các DN, nhà quản lý và chuyên gia đã tham dự Hội nghị DN niêm yết thường niên HNX 2016 cuối tuần qua, đồng thời bàn cách giúp các DN cải thiện sự minh bạch.
Tại sự kiện, Sở GDCK Hà Nội (HNX) công bố kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) cho thấy, các DN niêm yết thuộc nhóm HNX30 có điểm CBTT&MB trung bình cao hơn 4,2% so với các DN nói chung trên Sở. Các ngành có điểm CBTT&MB cao nhất năm nay là tài chính, vận tải kho bãi và y tế. Ngành có điểm CBTT&MB thấp nhất là thông tin và truyền thông, bất động sản và xây dựng.
Các DN niêm yết có vốn Nhà nước có chất lượng CBTT&MB tốt hơn so với các DN không có vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, các DN có vốn sở hữu nước ngoài có chất lượng CBTT&MB tốt hơn so với các DN không có vốn nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nước ngoài càng cao thì điểm chất lượng CBTT&MB càng cao. Điểm CBTT&MB cũng có mối quan hệ tương quan với các thông số thị trường như ROE, ROA, giá cổ phiếu.
Điểm trung bình CBTT&MB năm nay tính theo trọng số đạt 51,3%, cao hơn 0,5% so với năm 2015, trong đó có 2,1% số DN niêm yết đạt chất lượng CBTT&MB “xuất sắc”; 17,7% số DN đạt mức “tốt”; 41,3% DN xếp ở mức “trung bình” và 39% số DN niêm yết thuộc nhóm cần phải cải thiện chất lượng CBTT&MB.
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, các DN được đánh giá, chấm điểm theo 102 tiêu chí, được thiết kế dưới dạng câu hỏi. Có 54 tiêu chí theo thang điểm 0:1 và 48 tiêu chí theo thang điểm 0:1:2. Tổng điểm tối đa mà một DN niêm yết có thể đạt được là 150 điểm.
“Với cách thiết kế câu hỏi, thang điểm rõ ràng, việc chấm điểm của HNX không có gì kỳ bí, tất cả đều minh bạch. Chính nhà đầu tư, chính DN cũng có thể tự chấm điểm để biết DN đang ở nấc thang nào trong đánh giá CBTT&MB theo chuẩn mực hiện nay”, ông Trung nói.
Thúc doanh nghiệp minh bạch, tăng trách nhiệm với nhà đầu tư
Chia sẻ với các DN, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), UBCK xác định mục tiêu trọng tâm là duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK, tiếp tục đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Theo ông Sơn, các DN có điểm cao xứng đáng được tôn vinh, vì đây chính là các DN có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam.
Cũng theo ông Sơn, kinh tế Việt Nam năm 2015 và 10 tháng đầu năm 2016 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Bằng sự nỗ lực, TTCK Việt Nam đã vượt qua khó khăn, tiếp tục thúc đẩy tính công khai, minh bạch, tăng cường huy động vốn của các DN niêm yết. Một nét mới của TTCK còn ở việc, sàn UPCoM - thị trường giao dịch dành cho các DN đại chúng thu hút 90 DN lên sàn từ đầu năm, nâng tổng số DN tại UPCoM lên 355 DN, với giá trị đăng ký giao dịch đạt 89.666 tỷ đồng.
Năm 2016 đánh dấu chặng đường 20 năm tạo dựng ngành chứng khoán. Tính đến tháng 11/2016, số lượng công ty niêm yết có trên hai sàn đã tăng lên 720 DN, với giá trị niêm yết gần 200.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh TTCK lớn mạnh về quy mô và giá trị giao dịch, làm thế nào để tạo nên sự phát triển bền vững trên con đường tương lai luôn là trăn trở lớn nhất của nhà quản lý.
Theo Phó chủ tịch UBCK, một trong những giải pháp cốt lõi là đốc thúc DN niêm yết minh bạch và quản trị hiệu quả, tăng trách nhiệm và nghĩa vụ giải trình với nhà đầu tư. Tại Sở GDCK TP.HCM, từ năm 2008, Sở đã cùng Báo Đầu tư Chứng khoán và các đối tác, tổ chức Cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất, nhằm vinh danh sự minh bạch. Tại Sở GDCK Hà Nội, công tác chấm điểm các DN niêm yết đã được thực hiện từ năm 2012, trong cùng mục tiêu đánh giá sự minh bạch và đốc thúc các DN hoàn thiện chính mình. Về phía UBCK, ông Sơn cho hay, Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động quản trị công ty.
“Trong quá trình xây dựng chính sách, UBCK luôn muốn đồng hành cùng DN, Sở GDCK để cùng bàn thảo về những vấn đề vướng mắc và đưa ra những chính sách bám sát với DN”, ông Sơn chia sẻ. Bên cạnh đó, UBCK đang nghiên cứu thành lập Viện Quản trị công ty để tạo ra một diễn đàn cho các thành viên Hội đồng quản trị và tạo ra nơi để đào tạo nguồn nhân lực quản trị tại các DN. Hiện tại, UBCK đang xây dựng quy định mới về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. Tuy nhiên, nỗ lực của UBCK, của Sở GDCK thôi chưa đủ, bởi một trong những nội dung quan trọng nhất để tất cả các chính sách có thể thực hiện được đó là nhận thức của DN.
“Chúng tôi mong rằng, các DN có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của minh bạch, của quản trị công ty và sẽ chủ động áp dụng các thông lệ tốt để nâng cấp chính mình”, ông Sơn nói.
Hội nghị đã vinh danh 10 DN tiến bộ nhất trong công bố thông tin và 30 DN minh bạch nhất HNX trong chương trình đánh giá CBTT&MB 2016.
Tính đến ngày 31/10/2016, HNX có 377 DN niêm yết và 355 DN đăng ký giao dịch với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt gần 200 nghìn tỷ đồng và tổng giá trị vốn hóa trên cả 2 thị trường đạt 276.596 tỷ đồng. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 của các DN niêm yết đạt 6.828 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số DN kinh doanh có lãi chiếm 88,2%, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Số lượng DN niêm yết thua lỗ chiếm 11,8%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng giá trị lỗ tăng 117,5%. TTCK chưa thực sự thuận lợi, còn nhiều DN có cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, thanh khoản thấp, nội tại DN vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua, đặc biệt khả năng huy động vốn.