Thúc DN minh bạch và nâng chất lượng hàng hóa
Bắt đầu hoạt động theo mô hình Sở giao dịch chứng khoán vào tháng 6/2009, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên HNX là 257 doanh nghiệp, đến nay con số này là 377 doanh nghiệp. Tổng giá trị niêm yết hiện là 108.640 tỷ đồng so với con số 37.120 tỷ đồng vào cuối năm 2009. Giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 123.547 tỷ đồng năm 2009 lên 148.580 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường được cải thiện rõ rệt, với giá trị giao dịch bình quân từ 328 - 967 tỷ đồng/phiên.
7 năm qua, các doanh nghiệp niêm yết trên HNX đã huy động được hơn 58.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh thông qua phát hành cổ phiếu, tăng gần 6 lần so với giai đoạn từ khi HNX được thành lập (năm 2005) đến cuối năm 2008. Kênh dẫn vốn này đã hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp bên cạnh việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt trong các giai đoạn mặt bằng lãi suất ngân hàng ở mức cao.
Đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt 309 doanh nghiệp, gấp hơn 10 lần so với năm 2009; quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, vốn hóa đạt 110.000 tỷ đồng, gần bằng vốn hóa của thị trường niêm yết (120.000 tỷ đồng), tăng 25 lần so với năm 2009.
Về chất lượng hàng hóa, HNX quan niệm đây là điều kiện tiên quyết để phát triển TTCK bền vững, nên Sở đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin minh bạch và quản trị công ty theo các thông lệ tốt. Chẳng hạn, tổ chức các hội thảo về quản trị công ty, tổ chức đoàn doanh nghiệp niêm yết đi học tập kinh nghiệm về quản trị công ty tại nước ngoài, phát hành sổ tay hướng dẫn công bố thông tin cho các doanh nghiệp niêm yết.
Từ năm 2013, chương trình “Đánh giá công bố thông tin và minh bạch HNX” đã trở thành hoạt động thường niên của HNX nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và hiểu biết về các thông lệ quản trị công ty tốt, góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty, từ đó từng bước nâng cao chất lượng thị trường. Nhờ đó, hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, không ít doanh nghiệp công bố thông tin nhiều hơn nghĩa vụ yêu cầu. Chương trình đánh giá công bố thông tin minh bạch của HNX được tổ chức thường niên và nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngoài ra, HNX đã xây dựng Hệ thống quản lý thông tin công ty (CIMS), giúp doanh nghiệp niêm yết tự công bố thông tin qua hệ thống, góp phần rút ngắn thời gian và hạn chế sai sót trong quá trình công bố thông tin, đảm bảo thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến nhà đầu tư và thị trường. Đến nay, 100% số doanh nghiệp niêm yết trên HNX đã sử dụng hệ thống CIMS.
Trong thời gian tới, HNX sẽ tiếp tục triển khai chương trình quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh việc tôn vinh các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, Sở sẽ có các biện pháp nhắc nhở, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt hoạt động này.
Sẽ tập huấn quản trị công ty cho DN trên UPCoM
Năm 2009, sàn UPCoM mở cửa với sứ mệnh tạo ra một sàn giao dịch dành cho các công ty đại chúng, giúp nhà đầu tư có nơi giao dịch và giúp DN tập dượt, làm quen với TTCK trước khi niêm yết.
Đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt 309 doanh nghiệp, gấp hơn 10 lần so với năm 2009; quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, vốn hóa đạt 110.000 tỷ đồng, gần bằng vốn hóa của thị trường niêm yết (120.000 tỷ đồng), tăng 25 lần so với năm 2009. Các công ty trên UPCoM đa dạng về ngành nghề và quy mô vốn, trong đó có nhiều công ty quy mô vốn lớn, kết quả hoạt động kinh doanh tốt.
So với thị trường niêm yết, thanh khoản trên UPCoM những năm đầu khá hạn chế, nên HNX đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy sự nhận diện của nhà đầu tư với các hàng hóa trên sàn này. Đặc biệt, ngày 9/5/2016, HNX đã ban hành hai bộ nguyên tắc phân bảng trên hệ thống giao dịch UPCoM: một là bảng UPCoM Premium, nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm những cổ phiếu của doanh nghiệp tốt; hai là bảng cảnh báo nhà đầu tư, để cảnh báo cho nhà đầu tư những cổ phiếu cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.
Để thúc đẩy tính minh bạch trên UPCoM, HNX cho biết sẽ tập trung triển khai mở rộng đối tượng sử dụng CIMS, hướng tới 100% DN sử dụng hệ thống này. Một nỗ lực khác nhà quản lý hướng đến DN là triển khai các chương trình tập huấn về quản trị công ty cho các tổ chức phát hành trên UPCoM, hoàn thiện quy định giao dịch, phát triển hệ thống chỉ báo thị trường, mở rộng quy mô thị trường.