Thúc đẩy sự thay đổi

(ĐTCK) Trong tháng 9/2019, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ trình Chính phủ Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghệ 4.0 đến năm 2030. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi nhiều chính sách mới hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, nhằm thúc đẩy sự thay đổi ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Ảnh Shutterstock.

Tiến sỹ Chang Whan Ma, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KOITA), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và thông tin truyền thông Hàn Quốc đã dẫn lại những bức ảnh về một Hàn Quốc những năm 70 và Hàn Quốc ngày nay để chứng minh nghiên cứu và phát triển (R&D) sở hữu sức mạnh có thể thay đổi doanh nghiệp và cả đất nước như thế nào.

Vào những năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ đạt vỏn vẹn 65 USD nhưng đến năm 2018 đã đạt 31.000 USD. Trước đây, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản, nay sức mạnh kinh tế của họ đến từ các ngành công nghiệp như ô tô, đóng tàu, máy tính, các sản phẩm chế tạo…

Hệ sinh thái R&D của Hàn Quốc bao gồm các doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu và Chính phủ. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò xây dựng thể chế hỗ trợ các hoạt động R&D, khi Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành rất nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động này trong khu vực tư nhân để tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra các kỹ thuật độc quyền, có các sản phẩm đạt giá trị gia tăng lớn.

Nếu như năm 1991, Hàn Quốc có 46 viện nghiên cứu phụ trợ doanh nghiệp được thành lập thì đến nay, con số này tăng tới hơn 4.000 viện. Những hiệp hội như KOITA do ông Chang lãnh đạo thu hút tới 8.900 công ty hội viên, tạo ra tiếng nói có trọng lượng với Chính phủ về các chính sách hỗ trợ công nghệ trong các ngành sản xuất.

Dưới con mắt của các nhà khoa học và doanh nhân Hàn Quốc, cơ hội để đầu tư và phát triển R&D tại các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Việt Nam đang phát triển mạnh, có thị trường nội địa bền vững, bên cạnh đó nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hỗ trợ cho việc mở rộng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam đang ở vị thế yếu, chưa thể ứng phó với thị trường toàn cầu, chưa có kỹ thuật sản xuất, phải nhập công nghệ, kỹ thuật nước ngoài.

Với sự thay đổi thị trường toàn cầu và trong nước như hiện nay, tiến sỹ Chang nói rằng, Việt Nam cần suy nghĩ nhiều về phát triển khoa học công nghệ cho các ngành sản xuất.

Nhìn trên bình diện bức tranh nhỏ hơn là cộng đồng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh quý II và bán niên đang lần lượt lộ diện cho thấy, những doanh nghiệp tập trung đầu tư mạnh cho R&D, có công nghệ sản xuất hiện đại tiếp tục gặt hái kết quả kinh doanh khả quan.

Sự thay đổi và bẻ lái chiến lược ở không ít doanh nghiệp đã được lên kế hoạch từ hàng chục năm trước, nay bắt đầu cho quả ngọt với tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận đạt 2 con số.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam rất tự tin về chiến lược đầu tư sâu cho các lĩnh vực dệt nhuộm tới đây của doanh nghiệp.

Cạnh tranh bằng chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm, về năng lực giao hàng và những yếu tố phát triển bền vững liên quan đến môi trường, nguồn nhân lực khiến doanh nghiệp không quá e ngại về những rào cản kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu chủ lực (nếu xảy ra).

Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghệ 4.0 theo kỳ vọng của một số doanh nhân cấp tiến sẽ thúc đẩy những thay đổi như vậy.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục