Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ (diễn ra trong hai ngày 12 - 13/5/2022 tại Thủ đô Washington D.C.) thể hiện cam kết lâu dài của Hoa Kỳ với các quốc gia ASEAN, theo đó, Việt Nam giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và liên kết kinh tế khu vực với Hoa Kỳ.
Những nỗ lực tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ phải chăng là sự trở lại châu Á của Hoa Kỳ với các hoạt động hợp tác về đầu tư và thương mại, thưa ông?
Thực ra, xu hướng gia tăng sự quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã diễn ra liên tục từ thời Tổng thống Barack Obama. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đổi tên khu vực này thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để nêu bật tầm quan trọng của Ấn Độ Dương trong khu vực. Chính quyền Donald Trump dự định tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 2 vào đầu năm 2020, nhưng do Covid-19 bùng phát, nên phải hủy.
Ngay khi dịch được kiểm soát, chính quyền Joe Biden đã có kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao này. Đây là hành động nhất quán với xu hướng trên, đặc biệt sau khi Tổng thống Joe Biden công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khởi động các cuộc thảo luận với các đối tác trong khu vực về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Như tôi từng nói, Hoa Kỳ chưa bao giờ rời bỏ hay xao nhãng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai năm qua, do chuyển giao quyền lực ở Hoa Kỳ và tác động của Covid-19, nên cả Hoa Kỳ và ASEAN đều không có điều kiện tập trung làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai bên. Bây giờ là thời điểm chín muồi để thực hiện những hành động cụ thể, thực chất.
Theo ông, kinh tế hay địa chính trị sẽ được bàn thảo nhiều tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần này?
Ưu tiên về kinh tế, thương mại và hợp tác y tế sẽ là nội dung chính. Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần này sẽ bao gồm các cuộc tiếp xúc giữa các đại diện cấp cao các quốc gia thành viên ASEAN với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ.
Gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã tăng cường các cuộc trao đổi với các đối tác trong khu vực về một nền tảng mới trong IPEF. Trong IPEF có một số trụ cột thương mại, kinh tế số, an ninh chuỗi cung ứng, bao gồm tăng cường năng lực chống chịu của thương mại, an ninh y tế hiện nay và tương lai. Ngoài ra, sự cấp thiết của chuyển đổi xanh trong năng lượng đang trở nên thời sự hơn bao giờ hết, trong bối cảnh phương Tây muốn giảm phụ thuộc vào hóa thạch và nguồn cung từ Nga.
Theo ông, liệu Hoa Kỳ có thúc đẩy IPEF tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần này?
Đã có một vài vòng bàn thảo về IPEF giữa Hoa Kỳ với các đối tác trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore). Với Việt Nam, vấn đề này cũng đề cập vào tháng 10/2021, thông qua các hoạt động ngoại giao.
IPEF được phía Hoa Kỳ chủ trương như một nền tảng mới cho các vấn đề kinh tế, bao gồm các lĩnh vực: thương mại công bằng và bền vững (trong đó nhấn mạnh kinh tế số); khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; hạ tầng, năng lượng sạch và khử carbon; thuế và chống tham nhũng.
Trong hơn hai năm đại dịch vừa qua, chuỗi cung hàng hóa vào Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng và đã chọn Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng theo tôi biết, bản thân chính quyền Joe Biden cũng không muốn có một hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh hiện nay, nên đã thiết kế IPEF theo hướng hành pháp, đặt dưới quyền của Tổng thống. Mức độ ràng buộc của IPEF có thể thấp hơn một FTA, nhưng có thể thuyết phục các đối tác cùng tham gia chỉ trong thời gian đàm phán nhất định. Lợi ích cho Việt Nam rất lớn nếu tham gia IPEF.
Theo định hướng của Tổng thống Biden, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy thịnh vượng dựa trên nền tảng rộng rãi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã vượt hơn 1.000 tỷ USD và Hoa Kỳ sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để đáp ứng lời kêu gọi từ khu vực này.
Ông nhận định thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN - Hoa Kỳ?
Vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng. Việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ trên cả 3 khía cạnh, bao gồm an ninh, phục hồi kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, bao trùm, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị tại Hội nghị ASEAN - Hoa Kỳ hồi tháng 10/2021 cũng chính là những ưu tiên của chính quyền Joe Biden hiện nay.
Những năm gần đây, Chính quyền Hoa Kỳ cũng thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại với Việt Nam. Tính lũy kế đến ngày 20/4/2022, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện có 1.158 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,4 tỷ USD, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
USABC sẽ tổ chức sự kiện gì nhân Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần này, thưa ông?
USABC sẽ tổ chức hai sự kiện lớn tại Washington.
Một là, buổi làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu, với sự tham dự của đại diện cấp cao trong chính quyền Biden và một số lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Nội dung đang được xây dựng, sẽ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam, như năng lượng, kinh tế số và tài chính.
Hai là, đối thoại giữa các lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp Hoa Kỳ với các Lãnh đạo ASEAN với sự điều phối của đại diện cấp cao chính quyền Tổng thống Joe Biden. Nội dung cũng tập trung vào tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và y tế.