Thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển năng lượng bền vững

(ĐTCK) Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam thiếu các nguồn lực tài chính cần thiết để thực hiện các dự án phát triển xanh. Ông Koos Neefjes, chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu, Giám đốc Công ty TNHH Ý thức khí hậu (Climate Sense Co., Ltd.) chia sẻ về những thách thức cũng như cơ hội đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân nhằm giúp giảm thiểu các tác hại từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam.  
Thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển năng lượng bền vững

Năm 2015, Việt Nam đưa ra “Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) liên quan tới việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Báo cáo bao gồm các cam kết của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính (GHG) và thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu giảm 8% phát thải khí nhà kính so với mức tiêu dùng thông thường vào năm 2030 và mức cắt giảm có thể lên tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ các tổ chức quốc tế.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch bù đắp 1/3 nhu cầu tài chính giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu bằng ngân sách quốc gia, phần còn lại sẽ tới từ sự trợ giúp quốc tế và các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

Phần lớn nguồn đầu tư quan trọng giúp Việt Nam đối phó với các thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là làm giảm phát thải khí nhà kính sẽ đến từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển ODA và từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và quốc tế.

Song trên thực tế, một phần lớn vốn ODA đang được dùng để cho vay các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nguồn vốn cho vay này trước đây có bảo lãnh chính phủ, sau này khi vay nợ từ khu vực kinh tế nhà nước chạm trần thì được ưu tiên sử dụng để cho vay các doanh nghiệp nhà nước mà không cần sự bảo lãnh của chính phủ.

Do vậy, trong tương lai, các doanh nghiệp nhà nước có thể bị giảm sút nguồn vốn vay ODA và cần hướng tới các nguồn lực tài chính tư nhân để tăng mức tiết kiệm năng lượng và phát triển sản xuất năng lượng tái tạo.

Muốn vậy, cần có các chính sách khuyến khích các nhà tài chính và doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư vào các biện pháp giúp giảm thiểu phát thải khí GHG và nâng cao năng lực đối phó với biến đổi khí hậu.

Các chính sách này có thể chia làm 3 nhóm: các khuyến khích tài chính, trợ cấp và các hỗ trợ khu vưc công khác nhằm khuyến khích đầu tư và tiêu thụ; thuế và phí để giảm bớt đầu tư cũng như tiêu thụ ở một số lĩnh vực nhất định và thể chế bắt buộc mọi doanh nghiệp và người tiêu dùng và chính quyền các cấp phải thực hiện.

Nhằm khuyến khích đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời), Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế giá “feed-in-tariffs” (FiTs). Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện của các nhà đầu tư.

Chính sách FiTs hiện tại áp dụng với năng lượng gió và năng lượng mặt trời được cho là đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và giúp giảm thải đáng kể khí nhà kính. Mức giá này cao hơn mức giá mua điện thông thường của EVN do được trợ giá phần nào bởi các nguồn phát điện rẻ hơn như  thủy điện. Song đây chỉ là chính sách nhất thời và do công nghệ ngày càng trở nên rẻ hơn, cơ chế trợ giá chéo này có thể sẽ không cần tới trong tương lai gần.

Một ví dụ khác là việc khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than trong sản xuất điện và trong công nghiệp nặng hiện vẫn được nhà nước hỗ trợ.

Ví dụ, khu vực công đầu tư và bảo lãnh vay vốn nhằm phát triển hạ tầng giao thông, thực tế nguồn vốn này khuyến khích việc phát thải, trong khi nó có thể được sử dụng cho việc đầu tư vào các dự án “sạch” hơn. Sự hỗ trợ cho nguồn nhiên liệu hóa thạch này là “phản tác dụng” từ quan điểm biến đổi khí hậu.

Mức thuế môi trường hiện tại của Việt Nam là tương đối thấp, trong khi đó các loại phí các bon chưa được áp dụng. Do vậy, mức giá xăng dầu tại Việt Nam thấp hơn tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Áp mức thuế cao hơn, hoặc phí các bon sẽ làm tăng giá nhiên liệu, qua đó khuyến khích người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ xăng, lái xe chậm hơn hoặc ít đi.

Điều đó sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua các động cơ đốt trong sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, như xe máy điện hay ô tô điện.

Áp thuế với than cũng có thể đem lại hiệu quả tương tự đối với việc sản xuất điện năng và các ngành công nghiệp nặng, qua đó khuyến khích đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng và phần nào thúc đẩy việc chuyển sang dùng các dạng năng lượng khác.

Ngoài ra, Chính phủ có thể phân bổ thêm ngân sách cho các dự án đầu tư xanh hoặc thực hiện các chính sách khuyến khích vì việc phân tích các mô hình kinh tế đã chỉ ra rằng gia tăng đầu tư theo hướng này sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua gia tăng hiệu quả và hiện đại hóa sản xuất.

Koos Neefjes, Chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu, Giám đốc Công ty TNHH Ý thức khí hậu (Climate Sense Co., Ltd.)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục