Thúc đẩy hợp tác ngân hàng và Fintech từ ba phía

(ĐTCK) Sự xuất hiện của Fintech sẽ dẫn đến các thay đổi mang tính cấu trúc và cách thức vận hành của hệ thống ngân hàng nói riêng, thị trường tài chính nói chung, vì vậy cần vừa chấp nhận đột phá, vừa kiểm soát được các biến động, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của các thị trường.  

Dưới đây là một số gợi ý cho ngân hàng, Fintech và cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Fintech và ngân hàng.

Ngân hàng sẵn sàng đổi mới

Việc sẵn sàng và liên tục đổi mới hoạt động về mọi mặt cần được các ngân hàng nhìn nhận là vấn đề cốt lõi. Nhà băng phải thường xuyên theo dõi các xu hướng chủ yếu trên thị trường; thâu tóm một/một vài công ty Fintech để có thể sở hữu ngay những kĩ năng và đội ngũ nhân viên có năng lực sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh đó, trong quá trình theo dõi những xu hướng công nghệ hay tìm kiếm đối tác Fintech để hợp tác trên thị trường, các ngân hàng không nên xem xét từng trường hợp cụ thể, thay vào đó cần xem xét theo nhóm mà các Fintech đại diện. Trên cơ sở đó, có thể thực hiện hoạt động hợp tác thích hợp.

Các ngân hàng cần luôn luôn nắm bắt xu hướng thay đổi của công nghệ và áp dụng các nguyên tắc phát triển phần mềm mới. Trong đó, những đổi mới, áp dụng công nghệ cần hướng vào việc giảm chi phí vận hành. Đặc biệt, các ngân hàng phải khai thác triệt để thông tin về khách hàng của mình (trong và ngoài ngân hàng) để hiểu rõ về họ, trên cơ sở đó thực hiện tìm kiếm và lựa chọn các Fintech để hợp tác nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thích hợp.

Cụ thể, nhà băng cần chú ý đến các xu thế công nghệ quan trọng gồm: (1) tạo ra những trải nghiệm khác biệt dành cho ngân hàng (thực hiện thời gian thực, đa kênh, sản phẩm dịch vụ hướng tới đáp ứng nhu cầu mang tính cá nhân); (2) vượt qua những rào cản về mặt pháp luật và phát triển hệ thống công nghệ số cung cấp đến tận người dùng cuối cùng, thực hiện thời gian thực; và cho phép lưu giữ và nghiên cứu thông tin về khách hàng; (3) hệ thống có sự nhanh nhạy, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian ngắn.

Tất nhiên, việc ngân hàng hợp tác với Fintech sẽ đặt ra vấn đề về bảo mật thông tin và quản lý rủi ro đối với ngân hàng vì Fintech sẽ được tiếp cận và sử dụng các nguồn dữ liệu của ngân hàng. Trên thực tế, dù nhà băng không có quyền quản lý trực tiếp nhưng họ vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý nếu rủi ro phát sinh liên quan đến bên thứ ba là các Fintech.

Do đó, ngân hàng cần thận trọng trong khâu đánh giá các đơn vị cung cấp công nghệ, đồng thời áp dụng các biện pháp quản lý và thẩm định rủi ro; trong đó, phương áp tối ưu là lượng hóa các thông số nhằm cung cấp thông tin chính xác phục vụ cho hoạt động quản lí của cơ quan chức năng.

Đi kèm với việc chọn lựa đối tác cẩn thận, ngân hàng cần tập trung vào vấn đề an ninh và an toàn thông tin cho các khách hàng. Các ngân hàng cần lập kế hoạch dự phòng để giảm thiểu những biến cố gây gián đoạn trong dịch vụ hay công nghệ có thể phát sinh từ phía nhà cung cấp Fintech. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông đến khách hàng để nâng cao hiểu biết và kỹ năng bảo mật tài khoản của họ.

Về rủi ro pháp lý, ngân hàng cần rà soát các đặc điểm và chức năng của sản phẩm mới để tránh các rủi ro tiềm ẩn về mặt pháp lý. Hoạt động trên nhằm đảm bảo ngân hàng không bỏ sót các quy định mới, đồng thời vẫn tuân thủ các quy định hiện hành do các Fintech có thể không được chuẩn bị đầy đủ về an ninh toàn diện và quy định về tài chính lỏng lẻo hơn các ngân hàng.

Chọn chiến lược hợp tác hiệu quả

Không riêng các ngân hàng truyền thống cần chuẩn bị tâm thế cho việc hợp tác với công ty Fintech, các doanh nghiệp này cũng cần phải chấp nhận việc kết hợp với nhà băng để thiết lập và phát triển lượng khách hàng với chi phí thấp nhất.

Trong đó, để nắm bắt cơ hội hợp tác, các Fintech nên chú trọng tập trung vào các công nghệ: (1) phân tích dữ liệu lớn (big data) để hiểu rõ nhu cầu khách hàng và cung cấp sản phẩm thích hợp; (2) tập trung vào các dịch vụ sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như những nhóm khách hàng chưa được ngân hàng đáp ứng đầy đủ.

Một khi đã “bắt tay’ với nhà băng, doanh nghiệp Fintech cần đưa ra chiến lược hợp tác để có thể tận dụng cơ sở nền tảng có sẵn của ngân hàng.

Bên cạnh đó, công ty Fintech cần có sự tìm hiểu về các quy định và pháp luật, quản lí rủi ro; sử dụng nền tảng xử lí và lưu trữ mới rẻ hơn và nhanh hơn.

Cần tư duy làm luật mới 

Hiện nay môi trường sinh thái Fintech đang nóng lên do làn sóng quan tâm của các nhà đầu tư và Chính phủ. Việc tích hợp giữa ngân hàng truyền thống với các công ty Fintech đối mặt với rất nhiều thách thức. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa tạo bước phát triển đột phá của dịch vụ ngân hàng, mà vẫn kiểm soát được biến động, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của các thị trường. Đây là cái khó của các cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh này, thứ nhất, giới chức cần tư duy làm luật mới để tạo ra một hành lang pháp lý cho phép khách hàng có thể giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi. Xây dựng được nền tảng đúng hướng từ ban đầu sẽ giúp cho phát triển dịch vụ Fintech dễ dàng, hiệu quả.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nên khuyến khích thí điểm các thành tựu ứng dụng Fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam để thúc đẩy sự năng động của thị trường.

Thứ ba, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam phát triển chưa như kỳ vọng do hiện nay đang ở giai đoạn phát triển sơ khai. Trong đó, thị trường tuy bước đầu chịu sự chi phối của yếu tố cung - cầu, nhưng từ phía các ngân hàng vẫn còn tâm lý e ngại, thiếu sự cởi mở và hợp tác. Một phần có thể là do nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết phải “hợp tác với các Fintech để chống lại chính các nguy cơ đến từ Fintech”.

Theo đó, phía các cơ quan quản lí cần tổ chức các cuộc hội thảo, công khai về mặt chủ trương, định hướng để các ngân hàng nhận thức rõ đây là yêu cầu của khách quan đến từ cuộc cách mạng 4.0. Làn sóng Fintech là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội, nếu chậm trễ nắm bắt thì khả năng các ngân hàng bị thua thiệt trong cuộc cạnh tranh với Fintech là rất cao.

Thứ tư, công nghệ ngày nay được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực phi ngân hàng, từ truyền thông, giải trí, giao thông, điện nước, đến khoa học nông nghiệp, logistics...

Điều này đã làm tăng tính tương tác, thay đổi hành vi tiêu dùng và cách sử dụng dịch vụ của khách hàng theo hướng kỹ thuật số, khiến nhu cầu về các dịch vụ tài chính cũng phải thay đổi để thích ứng theo. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng thúc đẩy Fintech phát triển cả về cung lẫn cầu.

Vì vậy, các chủ trương, chính sách cần được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành, lĩnh vực liên quan và trong xu thế của sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội.

Nguyễn Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục