Thúc đẩy hạ tầng năng lượng: Cơ hội cho nhà thầu công nghiệp Tracodi (TCD)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy hoạch điện VIII đang ở những bước cuối cùng để được phê duyệt, trong khi cuộc khủng hoảng thiếu điện ở các nền kinh tế lớn trong khu vực đang là động lực để Việt Nam chú trọng trở lại mảng hạ tầng năng lượng.
Thúc đẩy hạ tầng năng lượng: Cơ hội cho nhà thầu công nghiệp Tracodi (TCD)

Ngoài các nhà phát triển dự án điện, nhóm các doanh nghiệp xây dựng nhà máy điện được cho là sẽ có cơ hội lớn trong các năm tới, đặc biệt sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, nhiều dự án sẽ được đưa vào triển khai ngay.

Dự án Vneco Vĩnh Long do TCD thi công

Dự án Vneco Vĩnh Long do TCD thi công

Tính đến tháng 10/2021, cả nước đã thực hiện tiêm gần 50 triệu liều cho người dân, vắc-xin cũng được nhập về ngày một nhiều hơn. Nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng covid-19 toàn dân đã mang lại kết quả tốt, trạng thái bình thường mới đã được thiết lập tại hầu hết tỉnh thành trên cả nước. Chiến lược sống chung với Covid của Chính phủ và tỷ lệ đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng cao, giúp doanh nghiệp, người dân yên tâm hơn, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần quay trở lại. Thực tế này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh trên cả nước, tình trạng dư thừa công suất được nhận định sẽ sớm qua.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ sự phức tạp của đại dịch Covid-19, song dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm 2021. Theo Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267,9 tỷ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020. Nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện, nhà thầu xây lắp, đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện khoảng 9%.

Các doanh nghiệp hoạt động trong mảng xây dựng công nghiệp và đã chứng minh được năng lực qua các dự án thực tế, được dự báo sẽ có cơ hội lớn từ định hướng thúc đẩy các dự án hạ tầng năng lượng.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, mã cổ phiếu TCD), mảng xây lắp – mảng kinh doanh cốt lõi của Tracodi với thế mạnh nổi bật là thi công các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 30 lần trong giai đoạn 2015 – 2020 và hiện chiếm 66% tổng doanh thu. Riêng năm 2020, doanh thu từ mảng xây dựng của Tracodi tăng trưởng 162%. Trong đó, doanh thu từ các dự án năng lượng tái tạo đạt hơn 1.490 tỷ đồng và chiếm tới 79% tổng doanh thu mảng xây lắp.

Biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp của TCD đạt trung bình 8%, cao hơn mức trung bình của ngành là 5- 6%. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, việc kiểm soát giá vật liệu xây dựng cũng như quản trị tài chính, hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán được Công ty chú trọng đặc biệt, nhờ đó dòng tiền thu về đảm bảo tiến độ và gia tăng biên lợi nhuận gộp.

Định hướng tiếp tục đẩy mạnh mảng năng lượng tái tạo của Tập đoàn mẹ Bamboo Capital, tạo ra khối lượng công việc lớn và ổn định cho TCD. Cụ thể, BCG đặt mục tiêu phát triển các dự án điện mặt trời trang trại (500 MWp), điện mặt trời áp mái (200 MWp), điện gió ngoài khơi (500 MWp) và nghiên cứu phát triển sang mảng điện khí LNG.

Chỉ tính cuối năm 2021, sản lượng thi công còn lại các dự án áp mái của TCD là 22 Mwp với giá trị ước tính khoảng 300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành lắp đặt trong năm 2021.

Dự án điện áp mái Nguyễn Hoàng do TCD thi công

Dự án điện áp mái Nguyễn Hoàng do TCD thi công

Ngoài tập đoàn mẹ, TCD có nhiều cơ hội xây dựng các nhà máy năng lượng khác khi cho đến nay nhiều dự án năng lượng tái tạo đã hoàn tất các thủ tục thẩm định theo yêu cầu và đang chờ Quy hoạch điện VIII được thông qua để triển khai các thủ tục đầu tư. Trong tuần này, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII. Sau khi Quy hoạch được ban hành và nhanh chóng đưa vào triển khai, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng công nghiệp như Tracodi sẽ có không gian lớn để khai thác, hứa hẹn duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mạnh mẽ.

Box: Trong giai đoạn từ 2015 – 2020, TCD có sự tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận khá đều đặn. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh thu và LNST trong giai đoạn này đạt lần lượt là 72% và 42%. Đáng chú ý, trong năm 2020, TCD ghi nhận tăng trưởng LNST ở mức 55%.

Kết thúc quý III năm 2021, TCD đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã được ĐHCĐ thông qua là 280 tỷ đồng, tăng 92% so với lợi nhuận thực hiện được của năm 2020. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh do giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục