Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị

(ĐTCK) Mặc dù chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia thị trường. Đây là bài toán cần phải giải quyết nếu muốn khối doanh nghiệp này sớm hội nhập kinh tế toàn cầu.
Để xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững, với đầy đủ các thành phần, không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn Để xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững, với đầy đủ các thành phần, không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn

Tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trong thời kỳ hội nhập” do Bộ Công thương vừa tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất, cung ứng là do thiếu vốn, thiếu công nghệ, trình độ quản lý yếu kém và đặc biệt là thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với hệ thống các nhà cung cấp, phân phối trong chuỗi.

“Cùng với đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu thực sự của DNNVV. Đây là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng trong hội nhập kinh tế toàn cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chặng đường để tham gia, cho đến việc tạo chuỗi cung ứng thực sự quá khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ, bởi thiếu thốn mọi yếu tố về năng lực cạnh tranh, vốn, trình độ quản lý…

- Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội .

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, việc liên kết-liên doanh giữa các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực còn rất lỏng lẻo, thậm chí còn tạo ra cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến các thành phần khi tham gia vào chuỗi cung ứng chưa phát huy tối đa hiệu quả.

“Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các chuỗi cung ứng, sản xuất đủ mạnh và quy mô để tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tham gia. Với trên 95% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như hiện tại, đây là bài toán rất khó đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập”, ông Tuấn nói.

Để giải được bài toán này, ông Tuấn cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan nhà nước bằng những hành động thiết thực như giảm thủ tục hành chính, có chính sách cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy các khu vực kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất…

“Nên xây dựng cơ chế riêng về tín dụng hoặc các quỹ bảo lãnh để giúp các DNNVV tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận và chủ động nguồn vốn trong triển khai kinh doanh, cũng như xây dựng cơ chế liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng”, ông Tuấn đề xuất.

Với kinh nghiệm tự xây dựng và nhiều năm tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm trứng gia cầm cho hệ thống bán lẻ trong nước, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội khẳng định, việc xây dựng chuỗi cung ứng và tạo nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia là yếu tố then chốt đối với tất cả các thành phần trong chuỗi.

“Chặng đường để tham gia, cho đến việc tạo chuỗi cung ứng thực sự quá khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ, bởi thiếu thốn mọi yếu tố về năng lực cạnh tranh, vốn, trình độ quản lý… Điều này càng gian nan hơn trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch vốn đã  cạnh tranh rất khốc liệt. Đó là chưa kể tình trạng ‘vàng thau lẫn lộn’ và sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hiện nay”, ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, để xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững, với đầy đủ các thành phần doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

“Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và hàng nông sản, cần có chính sách ưu tiên đối với các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch ‘từ trang trại đến bàn ăn’ tại các hệ thống thương mại, tạo mọi điều kiện ưu đãi để doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia cung ứng trong hệ thống và để người tiêu dùng thuận lợi trong tiếp cận, chọn lựa sản phẩm.

Củng với đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong việc nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, cũng như ý thức về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng cung ứng xuyên suốt trong toàn chuỗi”, ông Hùng khuyến nghị.   

Với lĩnh vực dệt may, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bản thân Vinatex cũng như các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển thị trường nội địa, chứ chưa nói đến xuất khẩu.

“Là ngành có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cung ứng sản xuất, có nhiều tầng nấc và thu hút nhiều lao động, việc tạo dựng hệ thống kênh phân phối đa dạng nhằm phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng, cũng như mở rộng thị trường là yếu tố sống còn”, ông Dũng chia sẻ.

Đại diện Vinatex cho biết, Công ty mẹ cũng như các đơn vị thành viên đã dồn nhiều công sức và vốn đầu tư để xây dựng và mở rộng các kênh phân phối, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ nội địa hóa cao để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ trong nước có khả năng cung ứng tham gia vào chuỗi sản xuất.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục