Thúc các quỹ lớn “để mắt” đến thị trường chứng khoán

(ĐTCK) “TTCK với tâm lý lo sợ trước tình hình địa chính trị sẽ còn trồi sụt, nhưng môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn ổn định bởi được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ”, ông Trịnh Hoài Giang (ảnh trên), Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) chia sẻ và cho rằng, Việt Nam cần tìm cách thu hút các quỹ lớn quan tâm đầu tư.
Thúc các quỹ lớn “để mắt” đến thị trường chứng khoán

Ông đánh giá thế nào khi chỉ số chứng khoán có lúc giảm về mức của đầu năm nay?

Nhưng thị trường đã tăng trở lại và chỉ số VN - Index đang ở 570 điểm, tăng khoảng 12% so với đầu năm. Đây vẫn là mức tăng tương đối cao trong tình hình hiện nay, khi tăng trưởng GDP cả năm mà tôi ước tính vào khoảng 3 - 3,5%.

Chỉ số P/E của thị trường đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, điều đó có nghĩa chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn? 

Thị trường Việt Nam rủi ro cao hơn các thị trường khác trong khu vực, nên mức giá định giá theo cũng P/E thấp hơn. P/E tính bình quân rẻ hơn, nhưng chi phí vốn cao hơn các nước khác nhiều, phản ánh mức độ rủi ro cao hơn. Ví dụ, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở Indonesia, Thái Lan là 3%/năm, còn ở Việt Nam là 8%/năm. Chí phí vốn cao hơn nhiều nước khác, nó phản ánh đến P/E của thị trường.

Vậy ông dự đoán thế nào về diễn biến thị trường sắp tới?

TTCK với tâm lý lo sợ trước tình hình địa chính trị sẽ còn trồi sụt, nhưng môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn ổn định và được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ khi tăng trưởng chung còn thấp, lãi suất ổn định ở mức thấp trong năm nay và năm tới. Trên thị trường thế giới, xu thế vẫn là giá cả ổn định, lạm phát không tăng.

Nếu có những biện pháp tăng thanh khoản cho thị trường thì ngay cả trong điều kiện GDP tăng trưởng thấp, địa chính trị phức tạp, chứng khoán vẫn có thể sôi động hơn nhờ dòng vốn mới. Vậy theo ông, đâu là những giải pháp có thể tác động ngay đến thanh khoản của thị trường?

Để tăng thanh khoản cho thị trường, cần có những giải pháp dài hạn, nhưng có những vấn đề làm ngay được. Hiện nay, các NĐT nước ngoài gần như bỏ xu hướng lập quỹ tập trung vào một quốc gia, mà họ đầu tư theo tiêu chuẩn toàn cầu. Ví dụ, những công ty có giá trị thị trường hơn 500 triệu USD, giao dịch hàng ngày khoảng 10 triệu USD sẽ lọt trong tầm ngắm của các quỹ này, dù công ty đó ở nước nào. Trên TTCK Việt Nam, hiện cũng chỉ có khoảng dăm bảy công ty có vốn hóa 500 triệu USD, nhưng thanh khoản lại quá thấp, do Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn. Do đó, để tăng sức hút của các công ty này đối với các quỹ đầu tư nước ngoài là Nhà nước phải bán bớt sở hữu của mình. Khi các quỹ lớn để mắt đến thị trường Việt Nam, họ sẽ nhìn ra những công ty khác nữa.

TTCK Việt Nam cũng khác các nước khác nên thanh khoản thấp, khác từ hoạt động công bố thông tin đến hạch toán kế toán nên NĐT nước ngoài khó khăn khi tiếp cận thông tin về doanh nghiệp. Cơ sở giao dịch thị trường vì cái này cái kia, khiến NĐT phải giao dịch trong nghi ngờ và trong vướng mắc. Tất nhiên, tất cả những vướng mắc này đều có thể giải tỏa và cần sớm giải tỏa được.

Chẳng hạn, việc mua và bán chứng khoán trong ngày đáng lẽ cần mở ra sớm hơn. Khi làm giao dịch phái sinh và sản phẩm phức tạp khác thì điều băn khoăn là mình chưa làm tốt giao dịch thanh toán bù trừ ở thị trường cơ sở. Thị trường cơ sở còn nhiều cái vướng mắc, sang phái sinh rất rủi ro. Hiện có quỹ ETF nội cũng tốt, nhưng đối với tôi còn quá rủi ro vì không vay mượn được chứng khoán, không có hợp đồng tương lai… thì mức độ hấp dẫn của ETF cũng không nhiều. Chúng ta cần vừa làm vừa học trong điều kiện này.

Các sở GDCK, VSD đang có nhiều nỗ lực chuẩn bị cho thị trường phái sinh. Liệu NĐT có thể chờ đợi gì từ động thái này.

Hợp đồng tương lai là một sản phẩm hấp dẫn, giúp tăng thanh khoản của thị trường. Để giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu và cổ phiếu, trước mắt, cần hoàn thiện giao dịch của thị trường cơ sở về thanh toán lưu ký, giao dịch thanh toán bù trừ như hệ thống vay mượn chứng khoán cho giao dịch trong ngày và hệ thống thanh toán bù trừ đối tác trung tâm.

Bên tiền mình đã làm với ngân hàng thanh toán được, nhưng bên chứng khoán chưa làm được để giảm rủi ro thanh toán.

Ở các thị trường khác, khi thị trường cơ sở mở ra thì thanh khoản trên thị trường cơ sở giảm đi vì người ta chuyển qua giao dịch trên hợp đồng tương lai, nhưng thanh khoản chung 2 thị trường tăng lên rất nhiều. Nếu chúng ta mở và quản lý tốt thị trường phái sinh thì sẽ có tác dụng tới thanh khoản của thị trường.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục