Nhiều nước trên thế giới vẫn đang trầy trật đối phó với đại dịch Covid-19 hoành hành, xã hội bất ổn, thì tại Việt Nam, 50 ngày qua không có ca nhiễm mới ở cộng đồng.
Diễn biến này như nhìn nhận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, là cơ hội vàng, rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ðể biến cơ hội thành động lực, thành sức sống, thành những kết quả tăng trưởng cụ thể góp sức cho nền kinh tế, những ngày gần đây, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xắn tay đốc thúc các “máy cái” phải tăng tốc.
Sau khi đốc thúc các doanh nghiệp tại Hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng đã làm việc với nhiều địa phương, khu vực kinh tế trọng điểm khắp cả nước để truyền lửa và khát vọng phục hồi sản xuất - kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng.
Ðiểm đáng mừng là các “máy cái” tăng trưởng, các địa phương đều cam kết với Thủ tướng sẽ nỗ lực tối đa trong giải phóng nguồn lực, khắc phục khó khăn, tìm ra hướng làm sáng tạo với bối cảnh mới để thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế...
Không chỉ các địa phương, nhiều “đầu tàu” góp lực kéo cỗ máy tăng trưởng ở Trung ương như ngành công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cũng cam kết không điều chỉnh các kế hoạch đề ra cho năm nay.
Những cam kết như vậy mang lại kỳ vọng rằng, nếu tình hình dịch bệnh tại nước ta tiếp tục được kiểm soát tốt, thì tăng trưởng kinh tế sẽ lấy lại được đà sớm và mạnh hơn so với các quốc gia trên thế giới.
Bức tranh kinh tế tháng 5 tại Việt Nam đã có nhiều nét sáng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam đã tăng 10 điểm trong tháng 5/2020, mức tăng cao nhất của khu vực Ðông Nam Á.
Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng trở lại, tăng 26,9% so tháng trước. Tháng 5 có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5%...
Dẫu vậy, thách thức vẫn đang dồn về và dường như ngày càng lớn khi chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, thương chiến Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát lớn, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; tình hình hoạt động của đại đa số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…
Bối cảnh hiện nay khiến người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh tinh thần không lùi bước, thậm chí nền kinh tế cần đạt mục tiêu kép thành công trong năm 2020 này.
Trên TTCK, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng, vượt qua mốc 880 điểm ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ, thể hiện niềm tin và tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư.
Những nỗi lo dường như đang nhường chỗ cho sự hưng phấn trước đà tiến lên của thị trường và từ đó lại tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên với dòng tiền mới. 3 tháng vừa qua, TTCK đón thêm trên 100.000 tài khoản mới với niềm tin của nhiều công ty chứng khoán rằng, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, người có tiền sẽ còn tìm đến TTCK Việt Nam.
Nếu TTCK không quay đầu, sẽ có hàng loạt công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính ghi nhận lợi nhuận tốt hơn hẳn quý I, do được hoàn lại giá trị phải trích lập khi chứng khoán rơi sâu.
Ở kịch bản ngược lại, TTCK có thể sẽ chịu một giai đoạn điều chỉnh để cân bằng với sự tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô. Nhiều nhà đầu tư thận trọng đã bắt đầu chốt lãi, chờ cơ hội vào lại khi nền kinh tế thực sự chuyển biến.