Các “công ty gia đình” thường có mối quan hệ vay mượn với người nhà lãnh đạo DN
Chủ của nhiều DN có cách cư xử như thể DN là một cơ sở kinh doanh của gia đình, dù DN đã niêm yết và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị công ty.
Cách cư xử “thuận tiện”
Trong 9 tháng đầu năm 2013, bảng cân đối kế toán của CTCP Thuận Thảo (GTT) xuất hiện một khoản đầu tư tài chính lên đến 400 tỷ đồng, nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ lại không thể hiện khoản thay đổi nào lớn như thế. Hoá ra, GTT đã cho “khách hàng” vay để trả nợ cho mình, được thể hiện qua khoản “phải thu khách hàng” giảm đi số tiền tương ứng.
GTT cũng chẳng lấy tiền thật để cho “khách hàng” vay, nên khoản đầu tư tài chính này không để lại dấu vết trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, mà thực chất chỉ điều chỉnh trên sổ sách dựa vào thoả thuận giao dịch giữa các bên. Làm thế, GTT đạt được cùng lúc 2 mục đích: một là không phải trích dự phòng cho khoản phải thu này, hai là ghi nhận ngay khoản lãi cho vay.
“Khách hàng” ở đây chính là CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn, cùng do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch. Công ty “khách hàng” này thành lập năm 2004 với vốn điều lệ 866 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay; theo giấy đăng ký kinh doanh lần thay đổi gần nhất (năm 2011), bà Thanh sở hữu 99,96% vốn.
Báo cáo tài chính của GTT còn cho thấy, bà chủ hãng xe chất lượng cao này nhận từ Công ty 30 tỷ đồng tiền bán đất được Công ty trả trước, bà Thanh và các thành viên khác trong gia đình có nhiều mối quan hệ vay mượn với Công ty.
Trường hợp CTCP Hưng Đạo Container (HDO), theo báo cáo tài chính gần nhất, Chủ tịch HĐQT Trần Văn Hùng cùng 3 thành viên khác trong gia đình (vợ, chị ruột, em rể) sở hữu 34,72% cổ phần tại thời điểm cuối tháng 9/2013. Tại thời điểm này, HDO vay ngắn hạn và dài hạn tổng cộng 143,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 94,6 tỷ đồng. Cá nhân ông Hùng và các thành viên gia đình đã từng cho Công ty mượn tiền và phải dùng tài sản riêng của mình làm tài sản đảm bảo cho một số khoản vay của Công ty.
Tương tự, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng có việc vay mượn qua lại giữa Công ty và các thành viên trong gia đình lãnh đạo DN. Năm 2012, báo cáo tài chính bán niên của QCG ghi nhận các khoản vay và cho vay với số tiền lớn giữa Công ty và bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, mặc dù điều lệ không cho phép các giao dịch kiểu này.
QCG giải trình: “Khi Công ty có nhu cầu về vốn thì các thành viên hỗ trợ cho vay và khi Công ty thừa vốn thì sẽ chuyển trả lại và có khi vượt số phát sinh phải trả…”.
Giải trình của QCG khi đó cho biết, sẽ cố gắng xử lý trong thời gian sớm nhất, nhưng đến báo cáo tài chính quý III/2013, vẫn còn nhiều giao dịch “tạm ứng” và “nhận tạm ứng” giữa Công ty và các thành viên gia đình, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thực tế kết quả kinh doanh
ĐHCĐ GTT tháng 4/2013 đã thống nhất không chi trả cổ tức năm 2012, mà chuyển qua năm 2013, với tỷ lệ cổ tức bằng tiền 2 năm cộng lại dự kiến từ 10 - 12%. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2013, GTT lãi trước thuế chưa đến 1,4 tỷ đồng, nên kế hoạch cổ tức là rất xa vời.
Đáng chú ý, GTT sẽ không thể có lãi nếu không chuyển khoản phải thu 400 tỷ đồng từ CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn thành khoản cho vay. GTT đã ghi nhận doanh thu tài chính gần 29 tỷ đồng từ việc cho vay đó, nhưng thực tế vẫn chưa thu được tiền và đang “treo” tại “các khoản phải thu khác”.
GTT có vốn điều lệ hơn 435 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2013, Công ty nợ ngân hàng xấp xỉ 800 tỷ đồng. Công ty đã phải trả lãi vay lên đến 66,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
HDO thì lỗ hơn 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, vốn chủ sở hữu hiện là 91,6 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ. Công ty đang nợ thuế, số thuế phải nộp tại thời điểm cuối tháng 9/2013 là hơn 12 tỷ đồng.
QCG cũng thua lỗ, 9 tháng đầu năm lỗ gần 1,9 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 50 tỷ đồng. Thời điểm cuối tháng 9/2013, QCG có tổng tài sản hơn 6.711 tỷ đồng, nhưng tiền mặt chỉ còn chưa đến 1,8 tỷ đồng và tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn và dài hạn là hơn 1.700 tỷ đồng.