Thuận Đức (TDP): Cơ hội đầu tư cổ phiếu sản xuất đầu ngành bao bì nhựa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Thuận Đức (TDP) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm bao bì từ Polypropylene (nhựa PP) thân thiện môi trường tại Việt Nam với quy mô doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.
Nhà máy Thuận Đức Nhà máy Thuận Đức

Quy mô sản xuất top đầu ngành bao bì nhựa Việt Nam

Thành lập năm 2007, CTCP Thuận Đức hiện là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bao bì PP tại Việt Nam, với 3 dòng sản phẩm chính cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế. Đó là: túi xách siêu thị (shopping bags), bao bì phục vụ cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón, mía đường... (B2B) và bao bì đựng nông sản ngô, khoai sắn, chè, tiêu… (B2C).

Quy mô của hệ thống Thuận Đức Group hiện nay bao gồm 6 nhà máy, 2 chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa và Long An, văn phòng đại diện đặt tại Hà Nội. Ngày 06/08/2020, Thuận Đức đã tổ chức Lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất túi xuất khẩu thứ 2 với diện tích 2,7 ha trong khu tổ hợp nhà máy Thuận Đức tại Khu công nghiệp Kim Động, Hưng Yên. Dự án nhà máy này nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm của Thuận Đức với sản phẩm đầu ra là túi xách siêu thị xuất khẩu chất lượng cao.

Dây chuyền sản xuất hiện đại
Dây chuyền sản xuất hiện đại

Trong năm 2019, Thuận Đức đã triển khai 2 dự án tại tỉnh Thanh Hóa, trong đó 1 nhà máy tại Triệu Sơn, Thanh Hóa trên diện tích 5,7 ha để sản xuất hạt nhựa PP tái sinh và bao bì dệt, giai đoạn 1 cho công suất hơn 600 tấn/tháng.

Bên cạnh đó, Thuận Đức cũng đang đầu tư 1 nhà máy nữa trên diện tích 3,3 ha tại chi nhánh của TDP ở KCN Bỉm Sơn, Thanh Hóa với các sản phẩm bao bì PP thân thiện với môi trường, có hàm lượng kỹ thuật cao.

Việc liên tục mở rộng quy mô sản xuất đã giúp TDP trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bao bì PP tại Việt Nam, với quy mô vốn điều lệ hiện tại là 480 tỷ đồng, quy mô tài sản đạt 1.717 tỷ đồng đến cuối tháng 6/2020, cao hơn so với nhiều doanh nghiệp bao bì trên sàn chứng khoán như Nhựa Tân Phú (TPP), Nhựa Bao bì Vinh (VBC), Nhựa Tân Tiến (TTP), Nhựa Sài Gòn (SPP)…

TOP 5/500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020

Trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020 (FAST500 - do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report thực hiện) công bố ngày 20/5/2020, Thuận Đức đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng này.

Kết thúc năm 2019, TDP đạt 1.196,7 tỷ đồng doanh thu và 61,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 60,3% về doanh thu và 71,4% về lợi nhuận so với 2018, hoàn thành lần lượt 109% mục tiêu về doanh thu và 124% mục tiêu về lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Chỉ số ROA và ROE của TDP lần lượt đạt 4,9% và 14,35%, tăng so với mức 4,7% và 12,6% của 2018. Kết quả này tương đương, thậm chí cao hơn so với một số doanh nghiệp cùng ngành nhựa nói chung hay phân khúc bao bì nhựa nói riêng.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2016 đến 2019, quy mô doanh thu của TDP đã tăng gấp 4,1 lần trong khi quy mô lợi nhuận gấp 6,7 lần. Tốc độ tăng trưởng kép đạt 59,6% về doanh thu và 88,7% về lợi nhuận.

Trong nửa đầu năm nay, bất chấp nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng toàn cầu, Thuận Đức vẫn ghi nhận 602,2 tỷ đồng doanh thu và 28,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23,2% và 56% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý là trong kỳ, biên lợi nhuận gộp của TDP đã đạt 17,1%, tăng 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm tích cực khác cũng ghi nhận trong bức tranh tài chính nửa đầu năm nay là dòng tiền kinh doanh của công ty đã thặng dư 42,3 tỷ đồng, cao hơn so với mức lợi nhuận ghi nhận.

Triển vọng tăng trưởng sáng

Trong những năm gần đây, nhựa là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức bình quân từ 16%-18%/năm. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), trong cơ cấu ngành nhựa, nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất (37,43%) với động lực tăng trưởng có đóng góp đáng kể từ xuất khẩu.

Việc sử dụng nguyên liệu tái chế để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường và trở thành xu hướng tiêu dùng được quan tâm giúp hoạt động kinh doanh của TDP có nhiều dư địa tăng trưởng.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết cũng là một tin vui giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp nhựa xuất khẩu sang thị trường này. Trong một phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cập nhập, với EVFTA, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm bao bì nhựa Việt Nam vào EU sẽ giảm từ 3% về 0% trong khi mức mức thuế của Trung Quốc hiện là 6,2%.

Trong bối cảnh đánh giá nhu cầu thị trường còn rất lớn, bên cạnh việc tăng hiệu suất vận hành của các nhà máy hiện tại, Thuận Đức còn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có bằng 2 dự án tại Hưng Yên và Thanh Hóa.

Dự án nhà máy sản xuất túi siêu thị xuất khẩu tại Hưng Yên với tổng mức đầu tư 1.206 tỷ đồng, dự kiến đem lại doanh thu 2.300–2.500 tỷ đồng mỗi năm. Dự án nhà máy sản xuất bao bì Thái Yên tại Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, dự kiến đem lại doanh thu 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 6/2020, TDP đã thông qua kế hoạch tăng vốn mới, bao gồm trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% và phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc ra công chúng.

Tùy theo điều kiện thị trường và nhu cầu vốn của Công ty, Ban Lãnh đạo sẽ chủ động tìm kiếm đối tác, đàm phán và thực hiện phương án đem lại tối đa lợi ích cho TDP và các cổ đông. Việc niêm yết cổ phiếu TDP trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong tháng 10 này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế cũng như tăng cường tính minh bạch, tin cậy của TDP trong mắt các nhà đầu tư.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục