“Thừa tiền mới uống cà phê Starbucks?”

"Trả 85.000 đồng cho một ly nước cà phê nhạt như nước ốc, ở Hà Nội, chỉ 15.000 được ly cà phê đậm đà, phục vụ tận nơi", một khách hàng không hợp khẩu vị cà phê Starbuks so bì.
Starbucks đã tạo ấn tượng trong những ngày đầu khi đông đảo bạn trẻ xếp hàng chờ đến lượt vào thưởng thức cà phê.

Lần đầu tới Starbucks

 

“Trả 85.000 đồng cho một ly nước nhạt như nước ốc, thế này mà gọi là cà phê à?” - Hùng Sơn, Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội thốt lên khi rời cửa hàng của Starbucks tại TP.HCM.

 

Chẳng là, anh vào TP.HCM gặp đối tác, nghe nói Starbucks vừa đình đám khai trương, người người kéo đến xếp hàng mong được thưởng thức, anh cũng ghé qua, nhưng đổi lại sự háo hức của anh là sự thất vọng.

 

Đã thế, vừa thốt lên vài câu trên Facebook, anh bị bạn bè nhảy vào “ném đá”: “Ông thừa tiền à mà uống cà phê Starbucks? Ra Hà Nội, chỉ 15.000 có người mang đến tận mồm!”.

           

“Nghe nói là cà phê dành cho giới trung niên, mình ghé vào, nhưng sau một hồi quan sát, tôi mới thấy toàn nam thanh nữ tú vào Starbucks chủ yếu chụp hình, đẩy lên facebook để tán gẫu, còn uống cà phê chỉ là phụ…”, anh Sơn ngậm ngùi.

 

Đồng cảm với anh Sơn, một bạn trẻ tên Hứa Thu Thảo chia sẻ: “Em vẫn hay uống cà phê, nên lâu lâu thay đổi quán một chút, chứ không nhất thiết phải là Starbucks. Em thấy nhiều bạn trẻ thích theo trào lưu, nên thường chụp ảnh đem khoe lên facebook, với ý nghĩ “chúng tôi đã đến Starbucks” hay “Cuối cùng thì cũng biết Starbucks như thế nào”. Nhưng không lẽ, lần sau lại đến chụp hình, và khoe rằng: tôi lại vừa đến Starbucks lần nữa?”.

 

Có thể khẳng định không chủ quan rằng, chính sức hút thương hiệu là cái đã làm nên sự đình đám của Starbucks tại Việt Nam vừa qua.

 

Nhưng uống cà phê, vốn dĩ là một nét văn hóa – văn hóa ẩm thực. Vì thế, khi hương vị không phải là lý do để khách hàng nán lại, thì có lẽ, một thương hiệu tốt cũng không thể là cái cớ để khách hàng ưu ái ghé Starbucks mỗi sáng, hay mỗi khi muốn có đôi câu chuyện gẫu với bạn bè.

 

Điều này, dường như đã được chứng thực, khi mà sau những ồn ã dịp khai trương, những hình ảnh giới trẻ xếp hàng dài dưới nắng nóng để thử một cốc cà phê Starbucks được đẩy lên khắp các trang mạng, thì giờ đây, như chính Starbucks lên tiếng trên trang facebook của mình rằng, hình ảnh ấy đã không còn nữa.

 

Chuyện cà phê và ngoài cà phê của Starbucks

 

Lúc này, khi sự hào hứng nhất thời với một thương hiệu mới đặt chân đến Việt Nam đã qua đi, người ta quan tâm tới nhiều câu chuyện khác của Starbucks.

 

Đó là chuyện mặt bằng giá của Starbucks khá cao so với các thương hiệu cà phê mang đi (take away) khác, như Passio, The Coffee Bean & Tealeaf hay các quán cà phê truyền thống như Trung Nguyên.

 

Đó là về đối tượng khách hàng. Ban đầu, phân khúc Starbucks nhắm đến là giới trung lưu, trí thức. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, khách hàng của Starbucks hiện nay đa phần là các bạn trẻ, kể cả học sinh trung học, chủ yếu đến trò chuyện, chụp ảnh. Mà chẳng ai đến mãi một quán cà phê chỉ để chụp ảnh, khoe với bạn bè?

           

Đó còn là câu chuyện hương vị, về thói quen uống cà phê của người Việt. Rất nhiều ý kiến đã chia sẻ trên các stastus (trạng thái) có liên quan đến Starbucks trên facebook.

 

“Mình thích uống cà phê truyền thống, hương vị đậm đà hơn nhiều”, hay “Cà phê nhạt như nước pha đường, còn thêm kem béo béo, chỉ phù hợp với người phương Tây”; “Không gian quán khá ồn, thà ngồi cả ngày ở quán sân vườn, vừa yên tĩnh vừa thư thả”.

 

Một bạn có nick Lenh Ho chia sẻ: “Mình vốn không thích chạy theo trào lưu, và cũng không thích những nơi xô bồ; mình thích các quán cà phê truyền thống, có khung cảnh đẹp hơn”.

 

Một bạn khác có nick No Doi chia sẻ: “Mình từng đến đó và quay lại vì công việc, còn quay lại vì thưởng thức cà phê thì không, vì không hợp khẩu vị”.

 

Một chuyện rất nhỏ là password (mật khẩu) wifi để khách hàng lướt mạng giải trí, làm việc, thì tại Starbucks, mật khẩu cho khách hàng chỉ có hiệu lực trong một tiếng đồng hồ. Khá nhiều ý kiến cho rằng, việc này không phù hợp với văn hóa cà phê của Việt Nam, khi nhiều người Việt thích ra quán cà phê làm việc, học hành, có khi ngồi cả ngày.

 

Ở các quán cà phê truyền thống, vị đậm, dù chỉ nhỏ xíu ở góc phố, khi bạn trả 15.000 đồng cho ly cà phê, bạn cũng có thể “ngồi đồng” cả ngày lướt web, làm việc.

 

Anh Nguyễn Văn An, một nhân viên văn phòng cho biết, anh có thói quen làm việc tại quán cà phê, nên anh thường chọn một quán cà phê có không gian yên tĩnh.

 

“Như vậy thà chọn một quán cà phê truyền thống, giá rẻ hơn, thức uống hợp khẩu vị hơn, lại được phục vụ tận bàn”.

 

Xem ra, để thực sự đứng vững và đi đường dài ở thị trường Việt Nam, Starbucks sẽ không chỉ quan tâm đến những vị khách đến cửa hàng mỗi ngày, mà còn phải đặc biệt quan tâm tới những khách hàng đã không trở lại.

Xuân Huy (baodautu.vn)
Xuân Huy (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục