Bộ Chính trị kết luận, tính chất của Thừa Thiên Huế và đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây là là mục tiêu chính trị mà chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm hướng đến.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để hoàn thành mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế phải đáp ứng những tiêu chí ở mức độ cơ bản, tối thiểu, như tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, cảnh quan, thu ngân sách, GDP bình quân đầu người...
Theo đó, nhiệm vụ lớn nhất của Thừa Thiên Huế là gìn giữ cố đô xưa của nước Việt Nam - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó là phải giữ được cảnh quan môi trường mang nét đặc trưng của Việt Nam để khi bạn bè quốc tế đến với Huế có thể cảm nhận được nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, địa phương phải tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, cảng biển và sân bay đúng tầm.
Ưu tiên mục tiêu “Năm đô thị”
Năm 2013, Thừa Thiên Huế đã thực hiện chủ đề “Năm đô thị”. Theo đó, công tác chỉ đạo điều hành chương trình trọng điểm chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt cả phần thể chế hóa và đầu tư chỉnh trang đô thị. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh và đã cơ bản hoàn thành Đề án Đề nghị công nhận Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, đã trình Bộ Xây dựng thẩm định Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Huế để trình Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực cho các dự án chỉnh trang đô thị như hoàn thành chỉnh trang bến xe Nguyễn Hoàng, nâng cấp đường Đội Cung, cầu Ga; triển khai chỉnh trang, mở rộng đường Điện Biên Phủ, Đống Đa, Cao Bá Quát, đường nối Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An…; hoàn thiện công tác chỉnh trang đô thị tại các đô thị vệ tinh.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh như Dự án Khu du lịch Laguna, Nhà máy chế biến thủy sản CP, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế, Dự án sửa chữa, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài vượt tiến độ 2 tháng; Dự án đường tránh phía Tây Thành phố Huế...
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện một số cơ chế đặc biệt để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Mở rộng đường Quốc lộ 1A từ giáp Quảng Trị đến La Sơn, Dự án 2 hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng; kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan các dự án lớn như: Dự án Xi măng Đồng Lâm, Dự án Nâng cấp đường Quốc lộ 49A, 49B, hồ Tả Trạch, Hồ Thủy Yên - Thủy Cam, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan.…
Năm 2014, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện “Năm đô thị”, với việc ưu tiên các nguồn lực để chỉnh trang dọc Quốc lộ 1A và đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm anh sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, làm nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, chú trọng các dự án trọng điểm như nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Phong Điền - La Sơn và hai hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (BOT); khởi công nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn La Sơn - Lăng Cô (vốn trái phiếu Chính phủ); đường La Sơn – Nam Đông (trái phiếu chính phủ), đường và cầu Hữu Trạch, Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn - Hoàng Thành (giai đoạn 1).
Ngoài ra, tỉnh tập trung hoàn thành các dự án hạ tầng khác như cầu Đông Ba, đường Đống Đa, đường Điện Biên Phủ, đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An, nâng cấp Tỉnh lộ 10A - đoạn qua khu C, An Vân Dương, chỉnh trang đường từ Sân bay Phú Bài đến Huế…
Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các dự án hạ tầng đô thị Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Sịa, dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; xúc tiến xây dựng bến số 2 - cảng Chân Mây…
Tập trung huy động nguồn lực
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị theo hướng mô hình đô thị đặc thù - “thành phố di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”; tập trung nguồn lực xây dựng phát triển hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế; hoàn thành các dự án chỉnh trang các đô thị dọc tuyến Quốc lộ 1A; thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bài, Khu công nghiệp Phong Điền, hạ tầng kỹ thuật tạo vốn từ quỹ đất.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra giải pháp huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế; quản lý các nguồn vốn đầu tư. Trong đó, tỉnh nhấn mạnh ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng du lịch...
Năm 2013, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tại Thừa Thiên Huế thực hiện 6 dự án đầu tư hạ tầng, khối lượng thực hiện ước đạt 165 tỷ đồng, bằng 100% nguồn vốn bố trí năm 2013. Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt tiếp tục triển khai 2 dự án: Trạm liên kiểm cửa khẩu và đường nối từ cửa khẩu A Đớt đến đường Hồ Chí Minh. Khu kinh tế quốc phòng A So tiếp tục đầu tư các hạng mục giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện..., góp phần cải thiện hạ tầng của các xã trong vùng.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cho biết, theo quy hoạch, Khu kinh tế nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích 27.100 ha, trong đó diện tích khai thác, phát triển Khu kinh tế khoảng 10.000 ha. Cùng với Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của miền Trung, là cầu nối với thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Ông Nguyên cho rằng, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để vươn lên tầm cao mới. Vấn đề đặt ra đối với địa phương là cần quy hoạch theo hướng nào để phù hợp với điều kiện phát triển khu kinh tế này? Tập trung mời gọi những dự án trọng tâm nào? Ưu tiên ngành nghề nào? Dịch vụ hậu cần khu kinh tế ra sao?... Đây chính là những vấn đề mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận ra và đang tập trung dầu tư theo hướng hiệu quả nhất cho Khu kinh tế.
Theo ông Nguyên, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp với cơ chế chính sách “mở”, được vận hành bởi khung pháp lý riêng với môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư, xây dựng.
“6 năm có thể nói là khoảng thời gian quá ngắn để đưa ra một nhận xét sát thực về Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Để có được sự thành công của các khu công nghiệp như hiện nay, Thừa Thiên Huế phải mất 20 năm. Trong khi đó, để xây dựng thành công khu kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì khu kinh tế là mô hình phát triển tổng hợp, trong đó có cả khu đô thị, khu du lịch, khu cảng biển, khu công nghiệp và khu phi thuế quan”, ông Nguyên nói.
Theo báo cáo, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng chính như khu đô thị, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch và khu cảng đã được lập và phê duyệt đảm bảo chất lượng, đúng quy định và đủ cơ sở để quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế.
Lợi thế lớn, giàu tiềm năng phát triển, nhưng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng đối diện không ít thách thức, không chỉ dừng lại ở vấn đề dự án đầu tư còn khiên tốn, năng lực chủ đầu tư chưa đủ mạnh, khu kinh tế này còn gặp cả vấn đề về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Để đảm bảo phát triển vững chắc, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư hợp lý, mạnh dạn sàng lọc các dự án thiếu hiệu quả.