Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ thương mại Festival năm 2024.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 70 đại biểu, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đại diện các nhà phân phối như: Tập đoàn Central Retail, siêu thị Coopmart, hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi Auminimart Đà Nẵng, các sàn giao dịch kinh tế hợp tác, và một số nhà phân phối khu vực…
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Hội nghị lần này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố nhằm tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, mở rộng và phát triển thị trường.
Toàn cảnh Hội nghị |
Đồng thời, hình thành kênh trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng, cơ sở sản xuất của các địa phương với hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà phân phối.
“Hội nghị có mục tiêu quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, phương thức tổ chức hợp lý, hiệu quả cao. Thông qua hội nghị, ban tổ chức mong muốn sẽ được nghe những ý kiến chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa nguồn hàng chất lượng lên kệ siêu thị, hệ thống phân phối, mở rộng thị trường”, bà Thảo chia sẻ.
Trong khuôn khổ của hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận của mình về việc sản xuất, phân phối các sản phẩm đến khách hàng, tìm đầu ra cho các sản phẩm, cùng với đó là giải bài toán để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm của mình vào các siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lan, đại diện Công ty TNHH Dinh dưỡng Hadalifa nhận định, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
“Khi các doanh nghiệp địa phương hợp tác, họ có thể chia sẻ nguồn lực, công nghệ, và cả kiến thức. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ có khả năng cạnh tranh mạnh hơn với các đối thủ lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hợp tác giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô phân phối và tiếp cận các thị trường mới. Các doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới khách hàng của nhau để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả hơn”, bà Lan nói.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các nhà phân phối, nhà cung cấp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh |
Một số đại diện các doanh nghiệp cũng đồng tình ý kiến trên và cho rằng việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành hoặc khác ngành trong cùng khu vực có thể tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm địa phương. Từ đó giúp gia tăng giá trị các sản phẩm trên thị trường tiêu thụ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương và khu vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp đã cùng nhau ký 40 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các nhà phân phối, nhà cung cấp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, tạo tiền đề đưa hàng hóa vào siêu thị và các kênh phân phối.