UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng số, đồng thời khuyến khích mọi thành kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển, khai thác hạ tầng số và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động (cột anten, cột treo cáp, cống bể cáp, hào và tuynel kỹ thuật).
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có cơ chế hỗ trợ để thu hút đầu tư hạ tầng số và các vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; có chính sách ưu tiên hỗ trợ, trợ giá cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh đảm bảo hướng đến 100% người dân được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường trao đổi hợp tác với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong phát triển hạ tầng số, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế về phát triển hạ tầng số; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ nghiên cứu, sửa đổi ban hành các quy định về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số (đặc biệt là hạ tầng băng rộng, hạ tầng IoT) trong các công trình xây dựng dân dụng; bảo đảm trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch của khu vực, của từng địa phương phải có phương án quản lý, thúc đẩy phát triển hạ tầng số (ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet); triển khai quy hoạch hạ tầng viễn thông thuộc hợp phần của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.